Thông báo dừng cấp nước trước Tết từ Công ty TNHH Toàn Thịnh đang khiến hàng nghìn người dân huyện Thái Thụy hoang mang.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ở Thái Bình xảy ra trường hợp doanh nghiệp cung cấp nước sạch mang quyền lợi của người dân để trao đổi với chính quyền.
Quay trở lại với câu chuyện đang diễn ra tại huyện Thái Thụy, hàng ngàn hộ dân tại 12 xã đang rất hoang mang vì nhận được thông báo dừng cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn từ Công ty TNHH Toàn Thịnh. Theo thông báo, 12 xã sẽ bị dừng cấp nước gồm: Thái An, Thái Học, Thái Thịnh, Thái Tân, Thái Thuần, Thái Thành, Thái Hồng, Thái Hưng, Thái Thủy, Thụy Dũng, Thụy Tân và xã Hồng Quỳnh. Thông báo cũng nêu rõ, đề nghị người dân trong vùng dự án chủ động nguồn sinh hoạt sau khi công ty dừng cấp nước kể từ 10 ngày sau khi ra thông báo.
Nhà máy cấp nước sạch số 4 của Công ty TNHH Toàn Thịnh đặt tại xã Thái Thịnh (Thái Thụy, Thái Bình)
Ông Bùi Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết, hiện trên địa bàn xã có 6 thôn, 14 xóm với trên 600 hộ dân, tương đương với 97% số hộ đăng ký dùng nước sạch của Công ty Toàn Thịnh. Vào thời điểm giáp Tết Canh Tý năm 2020, công ty thông báo dừng cung cấp nước sinh hoạt khiến người dân trong xã vô cùng bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Biên – xã Thái Thịnh cho biết, bản thân ông và người dân địa phương rất hoang mang, lo lắng bởi nguồn nước sinh hoạt là nhu cầu không thể thiếu của người dân. Gia đình ông có 5 người, từ lâu đã không sử dụng nước giếng khoan mà chỉ dùng nước máy do Công ty Toàn Thịnh cấp. Nếu nguồn nước này bị cắt, gia đình sẽ không biết lấy nguồn từ đâu để phục vụ sinh hoạt thường ngày.
Nguyên nhân cắt nước, doanh nghiệp đưa ra là do mất cân đối về tài chính, trong nhiều năm nay doanh nghiệp vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ nước sạch nông thông từ UBND tỉnh Thái Bình cho các dự án đầu tư của công ty (quy định tại Quyết định số 12 năm 2012 và Quyết định số 19 năm 2014 của UBND tỉnh dù đã nhiều lần kiến nghị giải quyết).
Ông Phan Song Toàn – GĐ Công ty TNHH Toàn Thịnh cho biết, với năng lực của mình, Công ty Toàn Thịnh đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho các hạng mục công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Đến nay, doanh nghiệp đã cung cấp đủ lưu lượng, chất lượng nước cho toàn bộ người dân. Doanh nghiệp đã đầu tư số vốn quá lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó UBND tỉnh Thái Bình mới cấp kinh phí hỗ trợ 3,7 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 tổng kinh phí hỗ trợ theo cam kết của Quyết định số 12 và Quyết định số 19 của UBND tỉnh Thái Bình.
Sau 6 năm hoạt động, người dân sử dụng nước quá ít, nguồn thu không đủ chi dẫn đến tài chính của doanh nghiệp ngày càng đi xuống trầm trọng. Vay ngoài, nợ ép, ngân hàng quá hạn. Trong khi đó nhà máy đến thời kỳ trung đại tu nhưng doanh nghiệp không còn khả năng tài chính để đảm bảo hoạt động lâu dài dẫn đến tình trạng phá sản – ông Toàn lý giải.
Có thể bạn quan tâm
13:21, 04/12/2019
16:42, 04/11/2019
16:58, 05/11/2019
Tương tự, vào ngày 17/1 mới đây, chính quyền và người dân 6 xã của huyện Đông Hưng, gồm Đông Động, Đông Quang, Đông Hà, Đông Xuân, Đông Vinh, Đông Các cũng rất bất ngờ khi nhận được thông báo của Công ty TNHH Thương mại Đỗ Gia Bảo - chủ đầu tư dự án cung cấp nước sạch trên địa bàn, cũng với nội dung sẽ dừng cung cấp nước sạch phục vụ người dân sau 10 ngày ra thông báo... Lý do được Công ty Đỗ Gia Bảo đưa ra cũng giống như Công ty Toàn Thịnh đưa ra, suốt nhiều năm chưa nhận được hỗ trợ từ UBND tỉnh Thái Bình trong việc đầu tư, xây dựng.
Trước đó, tháng 1/2019, Cty TNHH Toàn Thịnh cũng có thông báo về việc tạm dừng cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trên địa bàn 6 xã ở huyện Thái Thụy, và thực hiện tạm dừng cấp nước cho nhân dân trong vùng dự án từ ngày 15/1/2019 cũng với lý do tương tự.
Sau khi UBND tỉnh Thái Bình đồng ý tạm tính công suất, hỗ trợ doanh nghiệp 3,7 tỷ đồng nên sau 1 tuần, đến ngày 22/1/2019 doanh nghiệp tiếp tục cung cấp nước sạch cho người dân