Thái Bình cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, rào cản làm ảnh hưởng đến đầu tư, phát triển sản xuất của doanh nghiệp.
>>>Cân nhắc điều chỉnh mức giảm các loại phí để hỗ trợ doanh nghiệp
>>>Hải Phòng: Tập trung rà soát hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch
Đó là đề xuất của các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tại hội nghị “Giải pháp và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sau đại dịch COVID-19”.
Ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đánh giá, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, đặc biệt trong đợt bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống KT - XH của người dân, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, giao thương của doanh nghiệp và gián tiếp ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người lao động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và rút khỏi thị trường lên đến hơn 97.000 doanh nghiệp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cả nước có tới hơn 1,4 triệu lao động thất nghiệp, 1,3 triệu lao động phải về quê do không có việc làm và cuộc sống khó khăn.
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ quyết định chuyển đổi trạng thái từ “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đang bắt đầu sôi động trở lại với gần 12.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2021, tổng số vốn đăng ký đạt 150.000 tỷ đồng và số lượng lao động đăng ký là 76.600 người. Dự báo, tăng trưởng kinh tế quý IV của sẽ “đảo chiều” so với quý III, phục hồi lên mức 7% và đưa tăng trưởng cả năm lên khoảng 3%.
Đây là những dấu hiệu khả quan, kỳ vọng vào bức tranh tươi sáng của kinh tế Việt Nam thời gian tới. Vì vậy, để tiếp sức cho các doanh nghiệp, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp và ban hành các chính sách hỗ trợ; trong đó đặc biệt chú trọng đến cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 – ông Thân cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Tiến Phương - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ, Thái Bình cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 bởi trong số các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp này vốn đã rất “non nớt”, lại gặp tác động của dịch COVID-19 khiến khó khăn càng trở nên khó khăn hơn; trong đó, cần ưu tiên các giải pháp hỗ trợ tài chính, cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
>>Hải Phòng: Tập trung rà soát hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch
>>Cân nhắc điều chỉnh mức giảm các loại phí để hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed cho rằng, để tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi sau tác động của dịch COVID-19, Chính phủ, địa phương cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế, chính sách; trong đó, cần có ưu đãi và đổi mới chính sách về đất, thuế, lãi suất ngân hàng; đồng thời, cần chia nhóm doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp và hiệu quả, giúp giải quyết đúng và trúng những vướng mắc của doanh nghiệp, để tạo đà cho doanh nghiệp từng bước phục hồi và tăng trưởng.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch HHDN tỉnh Thái Bình chia sẻ, để giúp doanh nghiệp yên tâm lao động sản xuất, phục hồi kinh tế, địa phương cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhanh chóng giải quyết các thủ tục đầu tư, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vướng mắc gây ách tắc sản xuất kinh doanh và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm thủ tục nhập khẩu vật tư được nhanh chóng, thuận tiện.
Đồng thời kiến nghị, đề xuất 5 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, chính quyền địa phương cần thành lập Tổ công tác trợ giúp doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp bị tác động mạnh do COVID-19 như sản xuất hàng xuất khẩu, du lịch, vận tải, xuất khẩu nông sản, dệt may…; trong đó tập trung ưu tiên với các ngành sử dụng nhiều lao động, tiềm năng quy mô lớn về hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, tỉnh cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, rào cản làm ảnh hưởng đến đầu tư, phát triển sản xuất của doanh nghiệp như: cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường, chính sách thuế, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời kỳ mới – ông Vẻ đề nghị.
Về phía UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, tỉnh Thái Bình cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khuyến khích đầu tư, chuyển đổi số nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.
Các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội sẽ được tổng hợp, tiếp thu và kiến nghị các giải pháp hỗ trợ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương để có cơ chế, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp – ông Nguyễn Văn Thân khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc điều chỉnh mức giảm các loại phí để hỗ trợ doanh nghiệp
04:00, 08/12/2021
Hải Phòng: Tập trung rà soát hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch
14:41, 03/12/2021
VCCI Nghệ An tập huấn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng do COVID-19
10:10, 03/12/2021
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Tăng kênh dẫn vốn, khơi thông dòng tiền
05:30, 01/12/2021