Với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản, phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Thời gian qua tỉnh Thái Bình đã thu hút đầu tư phát triển khâu chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản.
>>>Thái Bình: Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu
Ðáng chú ý, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, cụm công nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản được thực hiện khá hiệu quả.
Cơ hội cho nhà đầu tư
Cụm công nghiệp (CCN) Đập Neo - xã Đồng Tiến - huyện Quỳnh Phụ đang trở thành trung tâm chế biến nông sản bởi thu hút được nhiều dự án sản xuất lúa gạo. Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, CCN này còn thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của các địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Doanh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Doanh Đạt cho biết: Doanh nghiệp là đơn vị tiên phong đầu tiên đầu tư dự án vào CCN Đập Neo. Với ngành nghề chuyên sản xuất, chế biến lúa gạo, mỗi năm doanh nghiệp thu mua của nông dân từ 8.000 - 9.000 tấn thóc.
Theo ông Doanh: Với việc hiện đại hóa từ lò sấy đến hệ thống xay xát, sản phẩm gạo của Doanh Đạt luôn duy trì chất lượng ổn định, được các doanh nghiệp, người tiêu dùng Thái Bình và một số tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... tin tưởng đặt hàng cung cấp lâu dài. Hàng năm Công ty chế biến và cung cấp ra thị trường gần 6.000 tấn gạo, doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng.
Trước đây Công ty hoạt động trong khu dân cư, quy mô nhỏ nên gặp khó khăn trong đầu tư máy móc, thu mua, bảo quản nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa. Năm 2008, chúng tôi quyết định đưa nhà máy vào CCN Đập Neo hoạt động. Với diện tích gần 10.000m2 giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư lò sấy thóc tươi công suất 170 tấn/ngày, nhà máy xay xát công suất 20 tấn gạo/ngày. CCN có vị trí thuận lợi và hạ tầng giao thông kết nối tốt giúp doanh nghiệp dễ dàng vận chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến và đưa sản phẩm đi tiêu thụ.
Cũng như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Doanh Đạt, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản ở xã Đồng Tiến đã chủ động đầu tư vào CCN Đập Neo, biến nơi đây trở thành trung tâm chế biến nông sản của huyện Quỳnh Phụ. CCN đang tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: Hàng chục doanh nghiệp, cơ sở xay xát, chế biến gạo của địa phương từ khu dân cư chuyển ra CCN Đập Neo hoạt động, vấn đề về môi trường được quản lý và không còn gây bức xúc trong nhân dân như trước. Đáng phấn khởi nhất là các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển hiệu quả góp phần bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản cho bà con nên không còn tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, kích thích phong trào tích tụ ruộng đất thực hiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. CCN đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đồng thời thúc đẩy thương mại, dịch vụ của địa phương phát triển đúng theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Theo lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ: Việc thực hiện tốt các chính sách về thu hút đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù được các cấp, các ngành xác định là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài.
Huyện Quỳnh Phụ có 12 CCN nhưng chỉ có CCN Đập Neo thu hút được nhiều dự án đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện CCN có 24 dự án đã được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 200 tỷ đồng, đạt 65,1% tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp cho thuê và bằng 91,4% tỷ lệ lấp đầy diện tích đã thu hồi. Trong đó, 17 dự án hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, mỗi năm cho doanh thu từ 150 - 165 tỷ đồng, tạo việc làm cho 192 lao động.
Ông Nguyễn Trường Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện cho biết: Với diện tích quy hoạch trên 14ha, CCN Đập Neo đã giúp doanh nghiệp, hộ cá thể mở rộng quy mô, có điều kiện đầu tư công nghệ mới, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp trong CCN bình quân thu mua và chế biến trên 100.000 tấn thóc/năm cho nông dân trong và ngoài huyện, giải quyết tốt đầu ra sản phẩm cho nông dân cũng như thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của địa phương.
Có thể nói, việc Quỳnh Phụ quy hoạch phát triển CCN Đập Neo là phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp và các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay CCN do UBND huyện quản lý dự án, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, trong đó chưa có trạm xử lý nước thải tập trung đang là hạn chế, cản trở việc thu hút đầu tư dự án mới cũng như việc mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp hiện hữu.
Ông Nguyễn Ngọc Doanh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Doanh Đạt cho biết thêm: Vào mùa thu hoạch lúa của nông dân, có ngày bà con chở đến bán gần 400 tấn thóc tươi, gấp hơn 2 lần công suất sấy của nhà máy. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu diện tích kho bãi để tích trữ, bảo quản lúa gạo và nâng công suất lò sấy thóc.
Nhu cầu của chúng tôi là mở rộng diện tích nhà máy hiện tại từ 1ha lên 3ha để đầu tư hiện đại hóa công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước, hướng đến xuất khẩu và kịp thời thu mua thóc tươi cho nông dân địa phương.
Song, không riêng Công ty Doanh Đạt, các doanh nghiệp chế biến nông sản trong CCN chưa được nhà nước phê duyệt cho mở rộng quy mô sản xuất do CCN chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, rất mong cơ quan chức năng linh hoạt giải quyết nguyện vọng của doanh nghiệp, đồng thời sớm đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Việc địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong việc thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản trong thời gian qua đã và đang phát huy thế mạnh nổi bật của vùng quê lúa, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án công nghiệp chế biến được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá, nhằm đưa tỉnh Thái Bình phát triển theo đúng định hướng quy mô lớn, công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm