Thái Nguyên “bó tay” với tiến độ dự án đường Bắc Sơn kéo dài?

NGUYỄN GIANG 15/06/2022 00:10

Sau nhiều lần gia hạn, đến nay dự án đường Bắc Sơn kéo dài vẫn chưa thể hoàn thành và cũng chưa thể “chốt” ngày đưa vào sử dụng khiến chính quyền tỉnh Thái Nguyên lúng túng còn người dân thì bức xúc…

>>Thái Nguyên: Nhiều bất cập tại Dự án nâng cấp đường Việt Bắc

hihi

Lễ gắn biển công trình đường Bắc Sơn kéo dàichào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020- 2025 sáng 10/10/2020. Ảnh: TL

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài có ý nghĩa quan trọng trong kết nối giao thông giữa thành phố Thái Nguyên với Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, được kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên. Dự án đường được UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định phê duyệt với tổng chiều dài toàn tuyến 9,5km, nối từ đường Lương Ngọc Quyến, phường Quang Trung đến xóm Cao Trãng, xã Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên).

Bề rộng mặt đường là 61m với hệ thống thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị cấp II. Dự án được khởi công từ năm 2018 với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BT. Chủ đầu tư là Doanh nghiệp Xuân Trường. Theo hợp đồng đã ký kết giữa Doanh nghiệp Xuân Trường với cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thái Nguyên, đến tháng 12/2019, Dự án đường Bắc Sơn kéo dài sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên doanh nghiệp này đã nhiều lần xin gia hạn hợp đồng để kéo dài thời gian thi công.

Tại cuộc kiểm tra, khảo sát thực tế tuyến đường ngày 22/9/2020, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên- đã chỉ đạo nhà thầu và các đơn vị liên quan: phấn đấu thông tuyến đường Bắc Sơn kéo dài trước thời điểm Đại hội Đảng bộ tỉnh được tổ chức (vào đầu tháng 10/2020).

Để “động viên” nhà đầu tư, sáng 10/10/2020, công trình đường Bắc Sơn kéo dài được thành phố Thái Nguyên tổ chức gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Thế nhưng, hết năm 2020 đường Bắc Sơn kéo dài vẫn chưa thể thông tuyến. Lấy lý do khó khăn về tài chính, tác động bất lợi bởi dịch COVID-19 và thời tiết nên chủ đầu tư dự án này là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã nhiều lần xin cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thi công.

Tại buổi làm việc với Doanh nghiệp Xuân Trường ngày 24/02/2021 bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị, ngay sau khi được bàn giao mặt bằng sạch, doanh nghiệp cần tập trung tối đa máy móc, nhân lực để triển khai các hạng mục còn lại, đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết với tỉnh và phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/8/2021.

Khi thời hạn 30/8 đã cận kề Doanh nghiệp Xuân Trường đã lại tiếp tục đề nghị lùi thời hạn hoàn thành công trình từ ngày 30/8/2021 đến hết tháng 12/2021. Cam kết là vậy nhưng đến nay đã là tháng 6/2022, quá thời hạn cam kết nửa năm trời nhưng dự án đường Bắc Sơn kéo dài vẫn còn dở dang (!?).

Đáng nói là trong khi nhiều hạng mục chưa thi công nhưng những ngày gần đây phóng viên khảo sát toàn tuyến đường Bắc Sơn kéo dài từ phường Quang Trung tới xã Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên) đều dễ nhận thấy là không hề có bóng dáng máy móc thi công hay nhóm công nhân nào. Ông N.V.T - một người dân địa phương cho biết, doanh nghiệp không tổ chức lao động, thi công thì hoàn thành công trình làm sao được.

“Không xây dựng đường thì thôi, chứ làm dở dang thế này người dân chúng tôi sinh sống gần đây gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống lắm. Đi lại đã vất vả, còn mỗi khi mưa to thì nhiều nhà bị nước ngập, tràn”, người này bức xúc nói.

>>Thái Nguyên: Dự án Bệnh viện nghìn tỉ thành nơi chăn thả trâu bò

hihii

Một đoạn trên đường Bắc Sơn kéo dài. Ảnh: N.G

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Thái Nguyên cho biết: Dự án này có tới gần 800 hộ dân bị ảnh hưởng, lại đi qua nhiều xã, phường nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, kiểm kê, kiểm đếm tài sản lúc đầu gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được sự đồng tình, phối hợp tích cực của các địa phương và nhiều người dân nên cơ bản điều kiện mặt bằng đáp ứng kịp tiến độ bàn giao cho đơn vị thi công.

Như vậy, có thể thấy mặt bằng phục vụ thi công không còn phức tạp như thời điểm trước. Đây cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc dự án chậm tiến độ. Lý do doanh nghiệp liên tục đề nghị ra hạn hợp đồng để kéo dài thời gian thi công là năng lực tài chính không mạnh…khác hẳn trong quá trình đề xuất đầu tư và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường luôn thể hiện rõ năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án lớn, được sự bảo trợ của các ngân hàng thương mại và cam kết thực hiện đúng tiến độ…

Theo nguyên tắc của hợp đồng BT, doanh nghiệp phải hoàn thành toàn bộ khối lượng xây lắp, đưa công trình vào khai thác mới đủ điều kiện để cấp có thẩm quyền giao quỹ đất đối ứng. Nhưng doanh nghiệp này đã từng đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao quỹ đất BT để đấu giá, lấy nguồn kinh phí tiếp tục thi công các hạng mục còn lại của dự án. Điều này chưa đúng với các quy định của pháp luật hiện hành nên không được cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Thái Nguyên đồng thuận, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là do sau một thời gian triển khai với nhiều vấn đề phát sinh ngoài tầm kiểm soát, Dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc buộc phải thay đổi nhiều so với công bố tại thời điểm động thổ lấy ngày, ngày 17/02/2016. Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng tại Thái Nguyên (đề nghị giấu tên) cho hay: Quỹ đất tại những vị trí được đánh giá là “đẹp”, có giá trị đã được địa phương thực hiện đấu giá để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án. Thêm vào đó, hạng mục đường ven hồ Núi Cốc kết nối với Đền Gàn- nơi tâm điểm của dự án tâm linh- chưa được đầu tư bằng vốn nhà nước nên nhà đầu tư cũng không còn quá mặn mà với dự án này!

Phân tích của vị chuyên gia này còn cho thấy: Càng kéo dài thời gian thi công dự án, doanh nghiệp càng khó khăn vì giá vật tư, nguyên nhiên liệu liên tục tăng. Cụ thể, giá vật tư, nguồn nhiên liệu thời điểm quý I và quý II/2022 với thời điểm Doanh nghiệp Xuân Trường ký hợp đồng BT với tỉnh Thái Nguyên đã có tăng rất xa (vật liệu, nhân công đều tăng từ 10-50%).

Trước thực tế trên, dư luận cho rằng, đã đến lúc tỉnh Thái Nguyên cần quyết liệt hơn nữa trong việc chấn chỉnh hoạt động thi công dự án đường Bắc Sơn kéo dài đối với nhà thầu. Tránh để nhà thầu “vô tư” vượt qua những cam kết của chính họ đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương; bởi lẽ một dự án dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công nhưng hơn 4 năm vẫn chưa chốt được thời điểm đưa vào sử dụng có thể khẳng định không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp mà chính quyền địa phương, người dân cũng bị ảnh hưởng.

Có thể bạn quan tâm

  • Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 1): “Trọng điểm” thành… “mất điểm”

    Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 1): “Trọng điểm” thành… “mất điểm”

    04:30, 05/09/2020

  • Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 2): Dự án trọng điểm chậm, vì đâu?

    Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 2): Dự án trọng điểm chậm, vì đâu?

    04:50, 07/09/2020

  • Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 3): Dự án “trọng điểm” liệu có “khả thi”?

    Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 3): Dự án “trọng điểm” liệu có “khả thi”?

    04:30, 08/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Nguyên “bó tay” với tiến độ dự án đường Bắc Sơn kéo dài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO