Với sự sáng tạo, năng động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bạn trẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thái Nguyên đang có những bước phát triển mạnh mẽ.
Thúc đẩy tiềm năng kinh doanh, sáng tạo lập nghiệp từ đó góp phần phát triển KT-XH là những mục tiêu mà hoạt động khởi nghiệp hướng đến. Từ sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, Sở KHCN tiếp tục tham mưu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò quản lý nhà nước và tiềm năng về KHCN & ĐMST; phát triển hệ thống ĐMST, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thị trường KHCN; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KHCN.
Nâng cao nhận thức về vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với nhiều thành tích và kết quả trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), năm 2020, tỉnh Thái Nguyên được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác thu hút, hỗ trợ và thúc đẩy KNĐMST”. Đặc biệt năm 2021 đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 lĩnh vực “Thành phố hấp dẫn KNĐMST”; Thái Nguyên vinh dự là một trong 3 địa phương trong cả nước được đón nhận danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021” (VCCI trao tặng). Hoạt động KNĐMST của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái (KNĐMST) Quốc gia đến năm 2025", tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 30/6/2017 về hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025. Nhằm triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án 844 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh Thái Nguyên, Sở KHCN đã tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh Ban hành Nghị quyết 09/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Thái Nguyên - Quy định về nội dung và mức chi thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST và tổ chức các hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên.
Đây là cơ sở để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động KNĐMST tại tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển KT-XH của tỉnh. Góp phần tạo việc làm, tăng năng suất lao động, đóng góp vào quá trình thúc đẩy và nâng cao chất lượng, tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái KNĐMST
Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thái Nguyên, cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với ĐH Thái Nguyên, các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn tỉnh để tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp trong HSSV, nông dân, Hội phụ nữ. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; trưng bầy các sản phẩm khởi nghiệp; các cuộc thi tìm kiếm KNĐMST; khuyến khích phong trào KNĐMST trong các tầng lớp nhân dân, thanh niên, phụ nữ, HSSV trên địa bàn tỉnh. Đã ký kết biên bản hợp tác để thành lập, hình thành nên hệ sinh thái KNĐMST, bao gồm Sở KHCN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ để kết nối hệ sinh thái trong cộng đồng KNĐMST; để làm sao hỗ trợ tốt nhất cho các nhóm, cá nhân KNĐMST thành công. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tăng cường ứng dụng chuyển giao công nghệ, cung cấp dữ liệu đầu vào, dữ liệu cần thiết cho nhóm khởi nghiệp khi nhóm có ý định khởi nghiệp.
Thông qua các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo do các đơn vị trên địa bàn tổ chức, các ý tưởng đạt giải tại các cuộc thi đã được các đơn vị hỗ trợ kinh phí để khởi nghiệp; được khuyến khích xây dựng các nhiệm vụ về KHCN để hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa. Từ ý tưởng khởi nghiệp tham gia các cuộc thi, đã hình thành doanh nghiệp KNĐMST, điển hình như: Ý tưởng “Anti - HPpro sự khác biệt từ thiên nhiên” (hình thành CT Cổ phần KHCN SCITECH), được đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam, được cấp bằng độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ 2020; Dự án khởi nghiệp cũng đã được Quỹ Newton của Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Anh tài trợ thực hiện thương mại kết quả nghiên cứu tại Anh năm 2019; 01 ý tưởng sáng tạo đã đăng ký giải pháp hữu ích và được chấp nhận đơn hợp lệ (Quyết định số 14987/QĐ-SHTT ngày 27/09/2021 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc công nhận đơn hợp lệ cho giải pháp hữu ích “Hệ thống chiếu sáng sử dụng bộ đèn led thông minh chiếu sáng đường”); 01 ý tưởng tham gia và đạt Top 10 làng sinh viên Techfest; 12 ý tưởng tham gia “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, kết quả có 03 ý tưởng xuất sắc đạt giải cấp vùng, trong đó có 01 ý tưởng đã được vào Chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2021 và nhận được giải triển vọng...
Năm 2023, tổ chức Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp HSSV giáo dục nghề nghiệp dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên - Startup Kite 2023"; Hội nghị truyền thông, quảng bá, kết nối nền tảng trực tuyến tới cộng đồng Doanh nghiệp KNĐMST; tổ chức vòng Chung kết cuộc thi KNĐMST thanh niên tỉnh Thái Nguyên và Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2023...
Thái Nguyên đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 nhằm gắn kết các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp thúc đẩy hỗ trợ hoạt động KNĐMST. Nội dung chương trình phối hợp bao gồm: Thực hiện truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST; phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động KNĐMST; tổ chức các sự kiện khởi nghiệp; tổ chức kết nối hoạt động hệ sinh thái KNĐMST …
Hoạt động xây dựng, phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu thị trường logistics, kinh tế số và phát triển thương mại điện tử được các trung tâm ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp tích cực hỗ trợ.
PGS.TS. Đàm Xuân Vận, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ khởi nghiệp, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên cho biết: "Hàng năm, nhà trường tổ chức các khóa tập huấn, các hội nghị kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong tỉnh, trong vùng; thông qua đó, kết nối với các doanh nghiệp, Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp, Câu lạc bộ Doanh nhân xứ Trà, các Hiệp hội doanh nghiệp, kết nối các thành phần sinh thái trong hệ sinh thái để tương tác, nâng cao hỗ trợ trong các hoạt động khởi nghiệp của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường đã tổ chức các khóa đào tạo về khởi nghiệp, về pháp luật, sở hữu trí tuệ, kinh doanh, thương mại điện tử,...".
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh trong việc ban hành cũng như đổi mới cơ chế chính sách trong hoạt động quản lý KHCN, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nghệ cũng như là tăng cường các hoạt động ứng dụng rồi chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh, ưu tiên thực hiện đặt hàng các nhiệm vụ KHCN, trong đó có nghiên cứu, phát triển công nghệ nền tảng và công nghệ cao cũng như là đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số".
Phát triển tài sản trí tuệ
Trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch và chương trình hỗ trợ để thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ: Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 3960/QĐ-UBND ngày 11/12/2021 của UBND Tỉnh Thái Nguyên Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Thái Nguyên. Các văn bản trên là hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Các hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành công cụ quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Sở đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh có 1.077 đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp (22 Sáng chế & Giải pháp hữu ích; 11 kiểu dáng công nghiệp; 1.044 nhãn hiệu) và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 517 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp (11 Sáng chế & Giải pháp hữu ích; 01 kiểu dáng công nghiệp; 505 nhãn hiệu); Hỗ trợ các địa phương tiến hành xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 05 sản phẩm, trong đó có 06 nhãn hiệu tập thể (Chè Đại Từ, Nhãn Phúc Thuận, Bưởi Tân Quang - Sông Công, Tương Úc Kỳ, Chè Văn Hán và Bưởi Nam Hoà), 03 nhãn hiệu chứng nhận (Chè Phú Lương, Chè Võ Nhai, Gạo nếp vải Phú Lương).
Để góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của tỉnh Thái Nguyên tại Hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục cho 02 tổ chức để đăng ký nhãn hiệu tập thể "Chè Văn Hán" và "Bưởi Nam Hòa" cho sản phẩm đặc sản của địa phương tại các thị trường nước ngoài, UBND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan sở hữu trí tuệ ở nước ngoài để bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đài Loan Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên tại các thị trường quốc tế.
Khoa học và công nghệ phát triển đã góp phần đưa tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh luôn cao hơn bình quân chung của cả nước, giai đoạn 2021 - 2022 đạt 50,4%... Đây là cơ sở vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục nâng cao tiềm lực và khẳng định vị thế trên bản đồ phát triển quốc gia.