Khối BRICS ngày càng tiến gần hơn đến khả năng thoát khỏi sự phụ thuộc vào USD với các hệ thống giao dịch, thương mại, thanh toán riêng.
Kể từ sau thế chiến thứ 2 đến nay, guồng quay chủ đạo kinh tế toàn cầu hoạt động dựa trên những nguyên tắc cốt lõi do Mỹ và đồng minh đặt ra. Đó là hệ thống giao dịch, phương thức thanh toán, chế tài luật cạnh tranh và kiểm soát thị trường,…
Toàn cầu hóa cũng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là gia nhập các tổ chức quốc tế, chịu sự điều tiết của quy tắc phổ quát; kết nối nền kinh tế với các chuỗi cung ứng cũng như hệ thống thương mại, tiền tệ do một số cường quốc đứng đầu. Đó gọi là một thế giới thống nhất.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, Trung Quốc đã quá lớn để có thể ngồi “chung mâm” với Mỹ và đồng minh, đối tác. Nói cách khác, những gì Trung Quốc và khối BRICS đang có đủ sức lập ra một hệ thống mới về tiền tệ, thương mại.
Kế hoạch “chia đôi thế giới” còn bắt đầu từ đòi hỏi gần như khách quan, đó là những hệ thống kinh tế - chính trị hiện nay trở nên mâu thuẫn, không thể dung hòa. Đó là căng thẳng Bắc Kinh - Washington không thể vãn hồi; lựa chọn chiến lược của Tổng thống Putin đẩy nước Nga theo một hướng khác, không thể hợp tác với Mỹ và EU.
Để tránh những hệ lụy có thể xảy ra như đã từng với Nga, Iran, Venezuela, Cuba - Trung Quốc đang nỗ lực xây cho mình con đường riêng, cùng với nhiều quốc gia trong khối BRICS thoát khỏi sự ảnh hưởng bao trùm của Mỹ.
Khối BRICS sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 22/10 tới tại Kazan, Nga, với nguyên thủ 9 quốc gia thành viên, khoảng 15 quốc gia khác mong muốn hợp tác với nhóm, cũng như Bộ trưởng ngoại giao Saudi Arabia, nước đã được mời tham gia.
Diễn đàn này không khác gì bằng chứng cho thấy những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại. Moscow muốn các quốc gia khác hợp tác với mình để cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu và chấm dứt sự thống trị của đồng đô la Mỹ.
Bắc Kinh từ lâu rất muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, thuyết phục đối tác khắp thế giới giao dịch thanh toán thương mại bằng đồng tiền này và cũng có thể là đồng tiền chung của toàn khối BRICS. Đây là điểm khởi đầu, tiền đề cho mọi kế hoạch lớn khác.
Đầu tuần tới tại thành phố Kazan, Nga sẽ đề xuất cụ thể về một hệ thống thanh toán mới dựa trên mạng lưới các ngân hàng thương mại được liên kết với nhau thông qua các ngân hàng Trung ương BRICS.
Hệ thống sẽ sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và chuyển các token kỹ thuật số được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ quốc gia. Đổi lại, điều này sẽ cho phép các loại tiền tệ đó được trao đổi dễ dàng và an toàn, bỏ qua nhu cầu giao dịch bằng đô la Mỹ.
Mục đích là duy trì dòng chảy thương mại giữa các quốc gia thành viên diễn ra suôn sẻ ngay cả khi một hoặc nhiều thành viên bị từ chối quyền truy cập vào hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ làm chủ.
Nga coi đây là cách giải quyết các thách thức ngày càng gay go trong việc thanh toán thương mại, ngay cả với các quốc gia thân thiện như Trung Quốc, nơi các ngân hàng địa phương lo ngại rằng họ có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây.
Một báo cáo của Nga cáo buộc các tổ chức hiện tại như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) phục vụ lợi ích của các nước phương Tây và đòi hỏi cần cải thiện để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã kêu gọi các thành viên BRICS “tạo ra một giải pháp thay thế cho IMF”.
Có thể coi Hội nghị thượng đỉnh Kazan là bước ngoặt lịch sử của BRICS nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào USD. Tại đây, chủ nhà Nga sẽ đưa ra nhiều đề xuất táo bạo. Nếu được hiện thực hóa, sẽ tước bỏ dần vai trò của Mỹ.