Những năm qua huyện Thanh Hà đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, đồng thời làm nền tảng phát triển lĩnh vực du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
Báo DĐDN có buổi phỏng vấn ông Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà xung quanh nội dung này.
- Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đang là lĩnh vực mũi nhọn của Thanh Hà. Ông hãy chia sẻ về điều này?
Huyện Thanh Hà được bao quanh bởi nhiều con sông lớn, tạo nên sự màu mỡ cho đất đai, thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện đã làm tốt công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị cao.
Cụ thể: quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả; có chính sách hỗ trợ sản xuất có hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất theo mô hình hữu cơ, VietGap, Global GAP; chú trọng bảo vệ môi trường; xúc tiến các hoạt động thương mại quảng bá sản phẩm, thu hút khách du lịch, mời gọi đầu tư,...
Với diện tích khoảng gần 4.000ha, vải thiều hiện là cây trồng chủ lực của huyện. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”, năm 2015 cây vải tổ của huyện được xác lập kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất“. Từ năm 2018, Lễ hội Vải thiều được tổ chức thường niên, nhằm kết nối tiêu thụ trái cây và thu hút khách du lịch đến huyện. Ngoài vải thiều, huyện còn phát triển nhiều loại trái cây đặc sản như ổi Liên Mạc, bưởi Thanh,... quanh năm bạt ngàn hoa, trái.
- Phát triển nông nghiệp làm động lực thúc đẩy du lịch đang là hướng đi bền vững tại nhiều địa phương. Huyện đã thực hiện điều này như thế nào, thưa ông?
Thanh Hà được biết đến với cảnh đẹp sông nước hữu tình nhờ hệ thống sông ngòi dày đặc, đan xen bởi các vườn cây ăn quả. Nổi bật là sông Hương với 21,5km chảy qua, chia đôi huyện thành hai phần là đông bắc và tây nam, được đánh giá là trong sạch nhất ở đồng bằng Bắc Bộ.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có hàng trăm kênh mương lớn nhỏ, hàng năm, mỗi khi nước về lại bồi đắp cho vùng ven sông phù sa màu mỡ. Trên những vùng đất này, người dân trồng nhiều loại cây ăn quả như vải thiều, ổi, đu đủ, nhãn, na, ổi, bưởi, chuối... Đến mùa quả chín, khách du lịch có thể về những vườn cây ăn quả để trải nghiệm, tự tay hái quả và trực tiếp thưởng thức tại vườn.
Thanh Hà còn có tiềm năng lớn về du lịch lễ hội, tâm linh nhờ trên địa bàn có 322 di tích văn hóa, lích sử. Trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 02 di sản văn hóa phi vật thể, 01 bảo vật quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh...
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của huyện, ngày 12/12/2016, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Hương - Thanh Hà bao gồm: Du lịch sinh thái dọc tuyến sông Hương bằng phương tiện thuyền chèo tham quan các vườn cây trái đặc sản, mua sắm; trải nghiệm, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương; tham quan các di tích văn hóa lịch sử bằng đường bộ kết nối với các bến thuyền; nghỉ dưỡng sinh thái dưới mô hình làng quê Việt...
- Để thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển du lịch, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp với hình thức xã hội hóa đầu tư. Quan điểm của huyện đối với việc đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư như thế nào?
Nhằm tạo “sức hút” đầu tư, huyện đang tập trung đầu tư, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở. Trong đó, sẽ mở rộng và nâng cấp được toàn bộ các tuyến đường chính, kết nối thông thương giữa các vùng trong khu vực. Đặc biệt, tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với TP. Hải Phòng xây dựng cầu Quang Thanh, nối Thanh Hà và huyện An Lão (Hải Phòng).
Đối với du lịch, huyện đang kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng KDL sinh thái Sông Hương và các điểm du lịch trên địa bàn. Một số nhà đầu tư đã đến khảo sát để đầu tư du lịch, trong đó có Tập đoàn T&T đang làm thủ tục để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu sinh thái Sông Hương.
Thanh Hà luôn sẵn lòng chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản và phát triển du lịch. Quan điểm của huyện là tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân đến tạo hợp tác cùng phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!