Thanh Hóa: Dân "tố" nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam gây ô nhiễm môi trường

Kiều Phiên - Kim Oanh 21/11/2018 13:30

Khi nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam đi vào hoạt động, người dân sống xung quanh đã phải hứng chịu khói, bụi, tiếng ồn và việc xả nước thải ra môi trường.

Theo phản ánh của người dân xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa), họ đang rất bức xúc trước tình trạng nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam đóng trên địa bàn gây ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.

hsjaksjvhks

Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam, đóng trên địa bàn xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa)

Dân bức xúc vì bụi gỗ, nước thải “tấn công”

Như dồn nén từ lâu, vừa được phóng viên báo DĐDN hỏi, bà Lô Thị Loan (56 tuổi, trú tại thôn Hào, xã Xuân Bình) bức xúc nói: “Cứ hễ mưa xong, rồi nắng lên là mùi hôi thối bốc lên không thể thở nổi, máy móc thì chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm không tài nào chợp mắt được. Đã thế gỗ dăm thì chất cao như núi, cứ có cơn gió nào bay qua thì bụi mù trời.

Trước đây, ở xóm tôi đông hộ dân ở lắm, từ ngày nhà máy này đến đây hoạt động thì người dân phải bỏ đi nơi khác sống vì không chịu nổi cảnh ô nhiễm, bụi bẩn. Nhà tôi không có tiền để chuyển đi nơi khác nên đành phải “sống chung” với ô nhiễm”, bà Loan lắc đầu ngao ngán.

Theo ghi nhận của PV tại nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam, trong khuôn viên nhà máy là cảnh gỗ dăm chất cao thành từng đống không được che chắn, bụi gỗ mỗi khi gặp gió lại tạo ra một lượng bụi rất lớn, phát tán theo hướng gió bay ra ngoài, phủ trắng khu dân cư.

Không chỉ vậy, ngoài tường rào của nhà máy có một lỗ hổng lớn để làm chỗ thải nước trong các bể chứa nước thải của nhà máy chảy ra môi trường, thẩm thấu xuống lòng đất và chảy ra khe Rào, rồi theo dòng chạy ra sông lớn.

Theo một người dân cũng sống tại thôn Hào, xã Xuân Bình cho biết: “Từ ngày có nhà máy này gia đình tôi không dám dùng nước giếng khơi nữa, phải vào tận trong làng cách đây vài km để xin nước ăn. Nước thải trong nhà máy cứ chảy ra môi trường suốt ngày, đêm. Nước có màu đen kịt, hôi thối khiến chúng tôi rất bức xúc. Ý kiến lên xã nhiều rồi cũng chẳng thấy thay đổi được gì”.

Xã, huyện “cầu cứu” sở TNMT

Theo báo cáo về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam, thì các quy trình sản xuất ván MDF và quy trình sản xuất ván thanh của nhà máy đều là quy trình khép kín không sử dụng nước sản xuất. Nhà máy chỉ sử dụng nguồn nước sạch được mua lại của các hộ dân để phục vụ cho việc sinh hoạt hàng ngày tại nhà máy. Nước dùng cho sản xuất chỉ sử dụng nồi hơi khoảng 5-7m3/ngày. Ngoài ra, công ty chỉ dùng nước cho phòng cháy chữa cháy, nước rửa xe, tưới sân…

jfhsafha

Gỗ dăm được chất cao thành đống, qua cả tường bao quanh nhà máy, gặp gió rất dễ "tấn công" khu dân cư

Cũng theo báo cáo của nhà máy này, toàn bộ nước thải sinh hoạt của cán bộ công nhân viên và nước mưa chảy tràn được gom dẫn ra hệ thống thoát nước và chảy về ao lắng phía sau nhà máy.

Báo cáo là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên báo DĐDN nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam làm hoàn toàn ngược lại. Nước thải sau khi được đơn vị này gom về hồ chứa bên trong khuôn viên nhà máy sẽ được chảy trực tiếp qua một ống cống, thông qua tường rào của nhà máy xả thẳng ra môi trường. Một phần nước xả ra ao hồ của dân, được nhà máy hút lại để làm mát máy móc, phần còn lại của nước thải chảy ra sông Rào chảy qua địa phần xã Xuân Bình.

Trao đổi với ông Lê Viết Tuyên, chủ tịch UBND xã Xuân Bình, ông Tuyên xác nhận việc nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam có sử dụng tài nguyên nước và xả thải ra môi trường đúng như bức xúc của người dân.

“Khi nhận được tin báo của người dân, chúng tôi cũng có xuống kiểm tra thì thấy họ có thải nước chưa qua xử lý ra môi trường, nước có màu đen, bốc mùi khó chịu. Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi cũng phát hiện đơn vị này dùng máy bơm hút nước lên để sản xuất mà chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Nhận thấy vi phạm quá tầm quản lý của cấp xã, chúng tôi đã báo cáo lên huyện xin ý kiến xử lý”, ông Tuyên cho biết thêm

hjahkjhk

Công văn 942 của UBND huyện Như Xuân gửi Sở TN&MT Thanh Hóa

Ông Đỗ Văn Chiến, Phó phòng TN&MT huyện Như Xuân, cũng đã xác nhận việc Công ty Thành Nam có xả thải gây bức xúc trong nhân dân xã Xuân Bình. UBND huyện Như Xuân cũng đã kiểm tra, xác minh. Vì vượt thẩm quyển của huyện nên ngày 2/10/2018, UBND huyện Như Xuân có công văn số 942 gửi Sở tài nguyên môi trường về việc đề nghị hỗ trợ chuyên môn xác định mức độ ô nhiễm nguồn nước tại Nhà máy gỗ Thành Nam và một đơn vị sản xuất chế biến gỗ khác cùng trên địa bàn xã Xuân Bình.

Cũng tại công văn này, UBND huyện Như Xuân cho rằng, nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam và nhà máy chế biến gỗ Xuân Sơn đã thải ra môi trường một lượng lớn nước thải, chưa qua xử lý, gây ô nhiễm đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của một số hộ dân xung quanh nhà máy.

Để xác định mức độ ô nhiễm, UBND huyện Như Xuân đã phải xin hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này để phân tích mẫu nước, đánh giá mức độ ô nhiễm.

Có khói, bụi, xả thải... nhưng trong ngưỡng cho phép?

Để hiểu rõ những thông tin người dân “tố” nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam, báo DĐDN đã gặp và trao đổi với ông Phạm Đức Trung, Chủ tịch HĐQT của công ty này. Ông Trung xác nhận việc người dân phản ánh có khói, bụi, xả thải là đúng. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất là không thể tránh khỏi, quan trọng là nó có nằm trong ngưỡng được cho phép hay không.

jhkdhkVD

Khu vực xã nước thải ra môi trường tự nhiên của nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam

“Quy trình sản xuất của chúng tôi không sử dụng nước để sản xuất, nước chúng tôi bơm ở ngoài vào là để làm mát máy và nước xả ra môi trường cũng chính là nước làm mát máy chứ hoàn toàn không gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Bằng chứng là bèo tây, cá vẫn sống.

Sau thông tin này, công ty chúng tôi cũng nhận thấy có bất cập. Tiến tới, chúng tôi sẽ không sử dụng nước làm mát ở bên ngoài và không xả nước này ra môi trường nữa mà chúng tôi sẽ xử lý khép kín, tuần hoàn nước trong hồ của nhà máy luôn” ông Trung cho biết.

Bên cạnh đó, ông Trung tỏ ra rất bức xúc: “Tôi không đồng ý việc xã Xuân Bình và huyện Như Xuân về nhà máy tự ý lấy mẫu nước và ra văn bản kết luận nhà máy chúng tôi gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân khi chưa có kết quả thử mẫu nước của cơ quan chức năng kết luận. Việc làm này đã ảnh hưởng đến uy tín và đảo lộn các hoạt động của công ty. Chúng tôi đang chờ kết quả của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa có kết luận để trả lại uy tín cho công ty".

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hóa: Dân "tố" nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam gây ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO