Cùng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ hiện được xem là thành tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nguồn động lực của nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa.
Theo Nghị định số 56 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2018, đối với nước ta, doanh nghiệp siêu nhỏ là những đơn vị có từ 10 lao động trở xuống. Các doanh nghiệp này phần lớn hoạt động gói gọn trong thị trường địa phương tuy nhiên lại chiếm tỷ lệ lớn, góp phần giải quyết phần lớn nhu cầu việc làm của người lao động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ trong việc huy động vốn và tiếp cận thị trường để đẩy mạnh phát triển.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.169 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng, nhưng còn đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, còn trên 80 nghìn hộ kinh doanh cá thể vẫn có tâm lý e ngại khi chuyển đổi lên mô hình hoạt động doanh nghiệp khiến cho việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp năm 2018 của tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, các địa phương, đơn vị.
Có thể bạn quan tâm
22:01, 11/07/2018
22:22, 04/07/2018
14:54, 26/06/2018
UBND thành phố Thanh Hóa là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác thành lập mới doanh nghiệp năm 2017 với 1.260 doanh nghiệp mới và đặt chỉ tiêu cao từ nay tới năm 2020, ông Lê Trọng Thụ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết hiện nay trên địa bàn đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, để đảm bảo các chính sách hỗ trợ thiết thực nhất đến với doanh nghiệp, cam kết sẽ cùng doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy có sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, song việc thành lập và hoạt động của riêng các doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn cần được quan tâm hơn nữa. Như phân tích của các chuyên gia trên địa bàn tỉnh, thị trường của doanh nghiệp siêu nhỏ quy mô nhỏ, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gặp khó khăn nên hiệu quả sản xuất, doanh thu chưa cao.
Như chia sẻ của anh Nguyễn văn Dương, Giám đốc một doanh nghiệp siêu nhỏ tại phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa: Những hỗ trợ hiện nay đối với một doanh nghiệp siêu nhỏ dường như là chưa đủ. Sau khâu thành lập, đi vào hoạt động nhiều khó khăn thực sự mới xuất hiện trong đó quan trọng nhất là thị trường hay đơn hàng. Doanh nghiệp của tôi hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, xây lắp điện các đơn hàng có được hầu hết phải vận dụng các mối quan hệ quen biết, với nguồn vốn và sức cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ là không đủ.
Hiện nay, công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể như: Kế hoạch số 31 ngày 27/02/2017 về thực hiện Kết luận số 55 ngày 29/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Kế hoạch số 57 ngày 14/4/2017 về đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân năm 2017; Chỉ thị số 12 ngày 13/7/2017 về đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; cùng nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tổ chức giao ban, đối thoại giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng và ngân hàng nhà nước chi nhánh Thanh Hóa để tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng... Các chính sách này đã và đang phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên ngoài những chính sách chung như trên, chính sách dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn yếu và thiếu. Nếu có chính sách khuyến khích riêng, tiềm năng của 80 nghìn hộ kinh doanh cá thể có lẽ sẽ tạo đà phát triển thoát khỏi kinh doanh phát triển tự phát manh mún nhỏ lẻ như hiện nay.