Sau một năm thành công với vị trí địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất miền Trung, một năm mới hứa hẹn chào đón Thanh Hóa với nhiều cơ hội hơn nhờ những quyết sách giữ chân nhà đầu tư hiệu quả.
Lấy con người làm cốt lõi phát triển
Nếu như chính sách, chủ trương là phương hướng thì nhân lực chính là động cơ để các biện pháp đạt được mục đích như mong muốn. Với tiềm năng đã được khẳng định, Thanh Hóa đang trên con đường trở thành một trong những cực phát triển kinh tế tại miền Bắc theo định hướng của Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Do đó, những biện pháp thu hút nhân lực, chăm lo cho đời sống người lao động là cách làm bền vững để Thanh Hóa sớm hoàn thành mục tiêu.
Trong năm 2021 khi đại dịch diễn biến phức tạp, Thanh Hóa đã đối mặt với “cơn khát” nhân lực khi hàng loạt doanh nghiệp không thể tuyển đủ số lượng công nhân, gây ra tình trạng chậm trễ đơn hàng, kéo theo nhiều hệ lụy cho tỉnh và kinh tế cả nước nói chung. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh đã nhanh chóng tìm ra biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đa dạng hóa các kênh tuyển dụng, tận dụng nguồn lao động về địa phương tránh dịch cũng như giải quyết những khúc mắc về mức lương, phúc lợi. Kết thúc năm 2021, Thanh Hóa đã thu hút được 89 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó, có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.015 tỷ đồng và 112,7 triệu USD.
Để có thể tiếp nối thành công năm cũ, Thanh Hóa cần tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhân lực, tập trung phối hợp với các khu công nghiệp. Hiện nay, nhiều khu công nghiệp đã phần nào tham gia vào quá trình quản lý nhân lực, chia sẻ khó khăn với các đối tác. Tuy nhiên, vai trò của Ban Quản lý các khu công nghiệp cần rõ rệt hơn nữa, dần trở thành nhà cung cấp dịch vụ toàn diện thay vì chỉ là “ông chủ đất” như hiện nay.
Ổn định tình hình dịch bệnh trên địa bàn
Dù đã trải qua thời kỳ tăm tối nhất của đại dịch COVID-19 nhưng những ca bệnh vẫn còn xuất hiện. Do đó, trong năm 2022, Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện các phương pháp phòng, chống dịch bệnh để níu chân các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một số biện pháp hiện nay của một vài địa phương còn gặp phản ứng trái chiều, khiến người dân khó xử vì. Vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gửi thư ngỏ, vận động người dân không về quê ăn Tết nếu không cần thiết vì số ca nhiễm có dấu hiệu tăng cao. Có thể thấy, với khoảng hơn 215,000 lao động ở tỉnh xa, Thanh Hóa sẽ đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất nguy hiểm nếu thiếu biện pháp phòng dịch khi đón lượng lao động này vào dịp Tết Nguyên đán. Sau khi gặp phản ứng từ dư luận, các địa phương đã lên tiếng, khẳng định không cấm người dân về quê đón Tết Nguyên đán.
Để tránh những phản ứng trái chiều cũng như tạo tâm lý hoang mang cho người dân, các địa phương tại tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu hướng đi khác trong năm 2020, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, tạo môi trường đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp, bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng vẫn tạo điều kiện đi lại, di chuyển của người dân.
Phát triển mạng lưới khu công nghiệp
Khu công nghiệp là hạt nhân trong kế hoạch thu hút vốn đầu tư của các địa phương vì là nơi được các doanh nghiệp lựa chọn sản xuất, kinh doanh. Một địa phương có mạng lưới khu công nghiệp rộng lớn, cơ sở vật chất hiện đại, có tính kết nối và được các cấp các ngành quan tâm sẽ có tỷ lệ thu hút vốn đầu tư thành công cao hơn. Là một trong những địa phương có diện tích lớn nhất cả nước với 11.129,5 km2, Thanh Hóa hoàn toàn có tiềm năng phát triển mạng lưới này.
Quy hoạch hệ thống KCN tỉnh Thanh Hóa sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó bổ sung 19 KCN với tổng diện tích 5.921 ha. Trong năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp số 12, Khu kinh tế Nghi Sơn. Sau khi hoàn thành, khu công nghiệp dự kiến sẽ đón hơn 10.000 nhân công đến làm việc. Đây là động thái cho thấy tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu có 19 khu công nghiệp.
Được kỳ vọng sẽ trở thành cực tăng trưởng mới bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tỉnh Thanh Hóa đã có tiềm năng lớn và đang từng bước được khai phá, phát huy. Hy vọng rằng trong năm 2022, Thanh Hóa sẽ có bước tiến dài hơn nữa để đạt được mục tiêu trở thành một cực trong tứ giác phát triển của miền Bắc.
Có thể bạn quan tâm
Đâu sẽ là "tâm điểm mới" của bất động sản Thanh Hóa?
10:00, 12/01/2022
Thanh Hóa: Khát vọng "Thủ phủ" khu công nghiệp hàng đầu miền Bắc liệu có xa vời?
01:23, 08/01/2022
Thanh Hóa: Phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 11,5% trở lên
00:18, 02/01/2022
“Gà đẻ trứng vàng” trên thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm
11:27, 24/12/2021