Chiều ngày 22/03, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị “Kết nối Ngân hàng và Doanh nghiệp” tháo gỡ điểm nghẽn vốn vay để giúp nhanh chóng hồi phục sau đại dịch COVID-19
>>Vai trò của ngân hàng trong phương thức thanh toán nhờ thu
Làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng và tổn thất nặng nề. Cuộc chiến chống COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ..
Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất... liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Ngân hàng nhà nước cũng đã vào cuộc rất sớm khi ban hành Thông tư số 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay thông tư này đã thay đổi tới lần thứ 3, mới đây nhất là Thông tư số 14/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020.
Thanh Hóa hiện có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động, quy mô chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trên các lĩnh vực như: Công nghiệp – xây dựng; Thương mại dịch vụ; Du lịch; vận tải; xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… Sau đại dịch COVID-19, đa số doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, nhất là vốn vay có lãi suất ưu đãi vẫn chưa được khơi thông.
Trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong thời gian gần đây liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh và tình hình thực tế Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị.
Tại Hội Nghị rất nhiều ý kiến “nóng” được đưa lên bàn đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng như, hạn mức tín dụng, thẩm định tài sản, thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Chính phủ vì thụ tục hành chính không phù hợp...
Ông Cao Tiến Đoan, CHủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi đối thoại với Ngân hàng cho biết: Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Việc yêu cầu tài sản thế chấp (thường là bất động sản) đôi khi chưa phù hợp, gây khó khăn lớn cho việc vay vốn, tăng thêm các chi phí giao dịch và nhiều khi khiến vốn của doanh nghiệp bị tồn đọng.
Ông Cao Văn Tâm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp thành phố Sầm Sơn cũng khẳng định: Hiện nay, với chu kỳ vay từ 6 tháng đến 12 tháng đối với doanh nghiệp là quá bất cập, bởi vì vốn vay chưa kịp đầu tư thì lo khoản thủ tục hành chính để đáo hạn, chúng tôi mong muốn định kỳ nhỏ nhất có thể được là 3 năm hoặc điều chỉnh phù hợp với từng doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Hương, Công ty CP Điện lực Thanh Hóa cũng cho biết: Các thủ tục hành chính cần tinh gọn và đơn giản hơn như việc thanh tra, thẩm định tài sản định kỳ 1 năm đối với doanh nghiệp vay vốn là quá ngắn và tốn kém kinh phí nên 3 năm thì hợp lý và ngân hàng có thể độc lập thẩm định và ko cần thiết mời đơn vị thứ 3. Cũng cần có việc phân luồng doanh nghiệp để đánh giá được vốn vay thực chất, vì rất nhiều doanh nghiệp cần vốn để đầu tư làm thật nhưng lại phải chờ đợi hoặc khó để tiếp cận vốn vay.
Đối với ngành dệt may, ông Trịnh Xuân Lâm Chủ tịch Hiệp hội may mặc Thanh Hóa kiến nghị Ngân hàng linh hoạt hơn trong các khoản vay. Đối với ngành may mặc là ngành thu hút số lượng lao động lớn. Sau đầu tư là cần nguồn vốn để mua vật tư, trả lương lao động, cũng như đào tạo nghề nhưng rất khó để tiếp cận vốn vay chứ chưa nói đến các gói hỗ trợ tuyển và đào tạo lao động nghề nông thôn như hiện nay.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cũng chia sẻ giữa Ngân hàng và doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin và chữ tín để hỗ trợ nhau, không chỉ giải quyết vấn đề lưu thông nguồn vốn mà còn vượt qua khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, Ngân hàng cần có nhiều cơ chế thông thoáng, linh hoạt hơn nữa để nhiều doanh nghiệp trở thành khách hàng thân thiết, kéo gần khoảng cách lại gần nhau hơn cùng hợp tác phát triển.
>>Thu nhập ngoài lãi của các Ngân hàng tăng trưởng mạnh
Anh Lê Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Bỉm Sơn cho biết: Ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp với dịch COVID-19 cung gặp nhiều khó khăn. Đồng thời có nhiều nguyên nhân khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, như: Nguồn lực về vốn của các ngân hàng thương mại còn hạn chế, chi phí hoạt động còn ở mức cao; các kênh cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu...
Ông Dũng cũng đề xuất, Lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẵn sàng cùng doanh nghiệp thành lập tổ tư vấn vay vốn, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hoặc thắc mắc về vấn đề pháp lý nguồn vốn vay.
Đại diện ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cũng khẳng định vì sao nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa thể hoặc không thể tiếp cận được vốn vay bởi một phần các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường năng lực tài chính hạn chế, không có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Việc xây dựng phương án kinh doanh, báo cáo tài chính vẫn còn thiếu, chưa rõ ràng... ảnh hưởng tới việc đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh. Việc hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản bảo đảm cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...
Trước những đóng góp ý kiến đối thoại với Ngân hàng, doanh nghiệp hy vọng trong thời gian tới, hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ sớm có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế phát triển và có nhiều bứt phá trong giai đoạn mới.
Có thể bạn quan tâm