Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2020 tỉnh Thanh Hóa lại trở thành điểm sáng của cả nước trong thu hút các dự án.
Những nỗ lực “đón sóng”
Thành tựu đã được minh chứng bằng những nỗ lực trong suốt một thời gian dài của các cấp các ngành tại địa phương. Để có được kết quả ấy, ngoài việc biết chớp cơ hội, còn là sự đổi mới, phấn đấu, kiên trì mời gọi các nhà đầu tư của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.
Điển hình, một trong những đơn vị có vai trò quan trọng trong mời gọi và thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn là Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Ban quản lý KKT Nghi Sơn & các KCN). Nhiều năm qua, Ban quản lý KKT Nghi Sơn & các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng cải cách hành chính, đơn giản hóa nhiều khâu thủ tục cho doanh nghiệp.
Bộ phận “một cửa” và các phòng tại đây đã thực hiện nghiêm tiêu chí “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể 4 tăng là: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; Tăng sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. 2 giảm là: Giảm thời gian và giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính. 3 không là: Không phiền hà, sách nhiễu; Không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần; Không trễ hẹn.
Bên cạnh đó, đơn vị tiên phong này còn xây dựng hệ thống dữ liệu, tài liệu tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng đầu tư vào tỉnh, được dịch thành 5 thứ tiếng: Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để phục vụ hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Đồng thời, thường xuyên trao đổi để triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương của nước ngoài và tạo điều kiện tốt nhất để đón tiếp các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Cũng trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh gây nhiều hạn chế, song nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tìm đến KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, như: Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ), Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), Tập đoàn Mintal (Hồng Kông), Tập đoàn Fangda (Trung Quốc), Tập đoàn INTCO (Singapore), Tập đoàn Chuwa Busan (Nhật Bản), các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)... Lũy kế đến nay, Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn của tỉnh đã thu hút được 625 dự án đầu tư, trong đó có 565 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 150.800 tỷ đồng và 60 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 13,5 tỷ USD.
Nhìn lại suốt một nhiệm kỳ vừa qua, giai đoạn 2015 – 2020 đã đánh dấu một bước tiến mới trong thu hút đầu tư với sự có mặt của nhiều tập đoàn quốc tế về lọc hóa dầu, sản xuất điện năng, sản xuất thép, hóa chất, vật tư y tế, may mặc, giầy da... đến tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. Tháng 5–2019, hãng tàu CMA – CGM của Pháp đã mở chuyến tàu container quốc tế đầu tiên đến Cảng Nghi Sơn, đánh dấu thành công lớn về lĩnh vực cảng biển sau nhiều năm nỗ lực kêu gọi của tỉnh. Từ đây, những chuyến hàng sẽ đến trực tiếp nhiều nơi trên thế giới và ngược lại, mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh, bởi đa phần việc xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp lớn hiện nay đều qua đường hàng hải quốc tế.
Đây cũng chính là tiền đề để phát triển thêm nhiều tuyến vận tải quốc tế khi có nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đã biết đến hệ thống cảng nước sâu tại Nghi Sơn. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư được tỉnh Thanh Hóa chú trọng, với nhiều đoàn công tác cấp tỉnh đến tận các nước để tổ chức các hội nghị xúc tiến, mời gọi cộng đồng doanh nghiệp các nước đầu tư về Thanh Hóa.
Tỉnh cũng đã có những hỗ trợ và tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh và các nhà đầu tư quốc tế triển khai xây dựng nhiều dự án trên địa bàn tỉnh. Những dự án đầu tư đã triển khai trên thực tế đã tạo ra hiệu ứng tốt, tạo nên “thương hiệu” của Thanh Hóa về sự đồng hành và giúp đỡ các doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư cũng như sản xuất, kinh doanh.
Sự kiện thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 tổ chức thành công vào tháng 6/2020 vừa qua đã minh chứng cho những nỗ lực thu hút đầu tư bằng kết quả cụ thể. Tại đây, đã có 19 dự án đầu tư được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và 15 dự án được chủ đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 15 tỷ USD.
Sự kiện này là thành công lớn của tỉnh bởi đây là hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên của cả nước trong năm 2020 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường. Tổng số vốn đăng ký đầu tư cũng gây ngạc nhiên cho nhiều đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương về dự. Đây cũng chính là thông điệp nói lên rằng: Thanh Hóa hiện đang là điểm đến hấp dẫn lý tưởng của các nhà đầu tư.
Để thành tự dược “đơm hoa”
Với một vùng đất tiềm năng, Thanh Hóa có đầy đủ loại hình giao thông thuận lợi, đứng thứ 3 cả nước về dân số - nguồn lao động, thứ 5 cả nước về đất đai, thứ 7 Việt Nam về tốc độ phát triển doanh nghiệp, thứ 8 cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài... Vấn đề còn lại trong thu hút đầu tư vào tỉnh là cách làm và con người mà thôi.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 diễn ra tháng 6 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương gợi mở: Hiện nay, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU cùng nhiều hiệp định quốc tế đã và sẽ có hiệu lực, tỉnh cần phải nhanh chóng nắm bắt để thích ứng và chớp cơ hội, thu hút các dự án nước ngoài. Một thực tế khác, nhiều tập đoàn lớn của thế giới đang có xu hướng rút khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước Đông Nam Á, tạo nên một làn sóng đầu tư mới. Nếu Thanh Hóa tranh thủ được cơ hội này, chủ động mời gọi và tạo ra nhiều cơ chế thuận lợi, sẽ đón đầu được nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư kinh doanh.
Trong những giải pháp thu hút đầu tư thời gian tới, ngoài chú trọng phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu công nghiệp và khu kinh tế, còn phải chú trọng đến vấn đề liên kết vùng. Cũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư nói trên, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) –còn cho rằng, để có làn sóng đầu tư mới, Thanh Hóa nên thành lập một tổ công tác chuyên thực hiện mời gọi xúc tiến đầu tư ngay trong thời điểm này. Phải xây dựng được môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, cải cách hành chính triệt để. Cần nhìn thẳng để triệt tiêu những việc làm gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Mặt khác, tỉnh cần kịp thời tháo gỡ khó khăn trợ giúp doanh nghiệp trong cả thủ tục đầu tư cũng như những doanh nghiệp đã phát triển sản xuất lâu năm trên địa bàn. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các ngành trong tỉnh cũng cần có kế hoạch, tập trung, không nên có quá nhiều đoàn, đến nhiều lần làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Chỉ làm tốt vấn đề trợ giúp và đồng hành cùng doanh nghiệp, khi tiếng lành đồn xa, chính là cách xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất.
Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để phát triển chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), tuy nhiên, lần xếp hạng mới nhất vào năm 2019, Thanh Hóa mới chỉ xếp thứ 24 cả nước. Để cải thiện chỉ tiêu này, không chỉ có sự nỗ lực của cấp tỉnh, mà cần cả sự nỗ lực thực hiện từ phía cấp huyện, cấp sở, ngành của tỉnh. Khi các địa phương và các ngành làm tốt, chắc chắn năng lực cạnh tranh của tỉnh sẽ được nâng cao.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, hiện nay, trong thu hút đầu tư cần tranh thủ kêu gọi nhiều dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Bởi trên thực tế, vốn Nhà nước còn eo hẹp, chưa thực hiện được những công trình lớn, nhất là công trình hạ tầng. Cần tạo điều kiện và kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân.
Một yêu cầu khác được đặt ra, là muốn kêu gọi được nhiều dự án, tỉnh Thanh Hóa phải chủ động cũng như có định hướng phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Theo đó, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực vừa có trình độ chuyên môn tốt, vừa có tính kỷ luật cao; đồng thời phải tạo điều kiện để thu hút được những người giỏi từ trong và ngoài nước về làm việc.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu hút đầu tư, hoạt động ngoại giao của tỉnh chắc chắn phải kết hợp hài hòa giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, từ đó tăng cường mở rộng quan hệ thương mại, du lịch với bên ngoài.
Nếu thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, thì mục tiêu đưa Thanh Hóa đến năm 2025 thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước và đến năm 2030 thành tỉnh công nghiệp là hoàn toàn khả thi.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài
21:20, 08/09/2020
Thanh Hóa: Làm rõ 3 nội dung trong đề án phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045
03:04, 05/07/2020
Thanh Hóa – Ninh Bình hợp tác phát triển kích cầu du lịch hậu COVID-19
13:24, 25/06/2020
Thanh Hóa: Gỡ khó cho sản xuất kinh doanh hậu COVID-19
15:58, 20/06/2020
Thanh Hóa kêu gọi đầu tư 12,5 tỷ USD tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020
17:07, 12/06/2020