Thanh Hóa: Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công

KINH OANH 19/07/2022 10:15

Mặc dù vẫn còn không ít đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp nhưng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đặt quyết tâm sẽ giải ngân hơn 11.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao.

>>Thanh Hóa: Những dấu hiệu phục hồi của ngành sản xuất công nghiệp

Nỗ lực hoàn thành giải ngân vốn

Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao tổng số vốn là 11.020,391 tỉ đồng, gồm: Vốn giao năm 2022 là 10.630,268 tỉ đồng và vốn năm 2021 chuyển sang là 390,123 tỉ đồng.

Đến hết tháng 6, tổng số vốn năm 2022 đã giao kế hoạch chi tiết đạt 100%; giá trị giải ngân đạt 4.400,3 tỉ đồng, bằng 39,9% kế hoạch. Một số nguồn vốn có tiến độ giải ngân nhanh so với kế hoạch giao như: Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết (bằng 77,9%); đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất (bằng 59%) và chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước (bằng 48,8%), thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.

Nhiều công trình đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Nhiều công trình đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu quyết tâm của tỉnh này trong năm 2022 “dứt khoát giải ngân 100% vốn đầu tư công”.  Ông Đỗ Minh Tuấn cho biết đã và đang chỉ đạo chủ đầu tư các huyện tập trung thực hiện tốt.  “Sau ngày 30.8, chúng tôi sẽ tổng rà soát các dự án, dự án nào chậm giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang dự án khác. Nên đề nghị các địa phương tập trung giải quyết vấn đề vốn đầu tư công, vì nếu không làm tốt là có lỗi với nhân dân”, ông Tuấn nói.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung công tác GPMB nhanh và kịp thời hơn, để tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, ông Tuấn bày tỏ quan điểm không chấp nhận cán bộ, cơ quan, đơn vị gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư các dự án.

>>Thanh Hoá: Phát động Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo

>>Thanh Hóa: Gặt hái “quả ngọt” từ xây dựng nông thôn mới

Ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng : “Dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng ở đâu đó vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, để làm sao có chuyển biến rõ nét, chứ không thể có chuyện là cấp trên nói cấp dưới không nghe, trừ trường hợp cấp trên nói sai thì cấp dưới không nghe là đúng thôi. Cấp trên nói cấp dưới phải làm, nếu không làm, vì sao không làm thì phải báo cáo lại, không phải là không làm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 40 cán bộ công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, và hàng trăm cán bộ, viên chức bị kiểm điểm. Thời gian qua cũng đã phát hiện một trường hợp tham mưu sai, ký sai. Thời gian tới, nếu phát hiện trường hợp nào nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì nhất quyết phải xử lý nghiêm, thậm chí là phải bồi thường cho doanh nghiệp nếu gây tổn thất”.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung đẩy nhanh việc thu hồi vốn tạm ứng, xử lý tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán theo đúng quy định.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thì UBND tỉnh còn phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa để rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; các cấp, các ngành và địa phương chủ động tiếp xúc, nắm bắt và có giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Vẫn còn một số dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công

Vẫn còn một số dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp; đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững. Tập trung, chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng.

Đối với vấn đề giá vật liệu, đặc biệt là vật liệu xây dựng thời gian gần đây có nhiều biến động, tăng cao gây khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án, khiến cho dự án chậm tiến độ, ông Tuấn cho biết bắt đầu từ tháng 7.2022, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ giao cho các sở, ngành công bố giá vật liệu hằng tháng chứ không phải hằng quý như trước đây giúp doanh nghiệp nắm bắt sớm được thông tin để điều chỉnh phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • Sở Kế hoạch và Đầu tư (Hà Tĩnh) lý giải nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công

    Sở Kế hoạch và Đầu tư (Hà Tĩnh) lý giải nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công

    00:30, 15/07/2022

  • Quảng Ninh: Ì ạch, chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công

    Quảng Ninh: Ì ạch, chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công

    01:10, 07/07/2022

  • Gỡ “điểm nghẽn” giải ngân vốn đầu tư công: Cần tập trung xử lý vấn đề GPMB

    Gỡ “điểm nghẽn” giải ngân vốn đầu tư công: Cần tập trung xử lý vấn đề GPMB

    03:50, 30/06/2022

  • Quảng Bình thành lập tổ công tác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

    Quảng Bình thành lập tổ công tác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

    06:16, 23/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hóa: Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO