Từ một vùng đất nghèo chỉ “chung tình” với cây sắn, cây mía để xóa đói giảm nghèo thì nay Xuân Hòa đã trở thành vùng đất của những hộ giàu từ cây cam, cây bưởi.
Vào độ tháng 10 âm lịch, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) nhìn từ trên cao xuống như một tấm thảm vàng xanh xen kẽ đều nhau thật đẹp mắt của rừng cây ăn trái. Trong tổng thể 177 hecta cam, bưởi xen lẫn đó ở mỗi góc vườn là tiếng râm ran của tiếng công nhân và thương lái làm sôi nổi cả một góc trời.
Tại 10 hecta vườn cam của gia đình anh Lê Minh Hải, phóng viên được tận mắt chứng kiến mới thấu rõ giá trị thật sự từ vùng đất Xuân Hòa “cằn cỗi” sau khi được cải tạo đã đơm hoa kết thành trái ngọt.
Chú Phạm Văn Thơ, công nhân tại vườn cam của gia đình anh Hải cho biết: Tôi làm ở đây đã được 6 năm, trung bình mỗi tháng được 6 triệu đồng, cam ở đây thương lái và người mua rất ưa chuộng từ đầu mùa họ đã đến đặt mua rất đông.
Lợi nhuận hàng năm thu về cả tỷ đồng của các ông chủ vườn cam ở Xuân Hòa đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm công nhân
Anh Lê Minh Hải ông chủ của vườn cam cho biết: Cam Xuân Hòa có vị ngọt đậm, thơm riêng của xã miền núi vì vậy rất được người tiêu dùng, nhất là những người sành ăn. Năm nay đầu tháng 10 âm lịch đã vào vụ cam, trữ lượng và chất lượng năm nay được đánh giá cao,thương lái mua tận vườn cắt đổ đồng đã được giá 15.000 đồng/kg, cam loại 1 thì giá cao hơn từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Trung bình mỗi hecta cam trừ chi phí được các nhà vườn thu về khoảng 170 triệu đồng/ha. Thu nhập này đã gấp khoảng trên 10 lần so với cây mía, cây sắn trước kia, vì vậy cây ăn quả tại Xuân Hòa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Chị Trần Thị Nga, thương lái ở Nghệ An đang thu mua tại vườn cho biết: Từ khi Xuân Hòa có cam năm nào đến vụ tôi cũng đến thu mua, chắc cũng khoảng 3 năm rồi. Xuân Hòa cách Nghệ An chỗ mình sống khoảng 20 Km. Tôi chỉ mua cam loại 1, lựa từng quả tại vườn vì dành cho các khách đã đặt trước. Khách của mình tận Hà Nội, Nam Định cũng có. Cam ở đây chúng tôi chỉ đánh giá với một câu đó là “ngon ngọt”.
Anh Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: với tổng số 177 hecta cây ăn quả của địa phương là của 38 hộ cá thể đầu tư và chăm sóc. Tổng diện tích trái cây ăn quả chủ yếu là cây cam, cây bưởi, cây ổi... Mỗi hetac cây cam, cây bưởi muốn cải tạo đất và đầu tư phải bỏ vào khoảng từ 350 triệu đến 400 triệu, sau 4 năm nếu thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi sẽ cho thu hoạch những quả đầu tiên. Năm 2020 Xuân Hòa cũng đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm trái cây ăn quả Xuân Hòa đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đối với một xã miền núi đây là cả một sự nỗ lực cố gắng khi chuyển đổi thành công hiệu quả kinh tế từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng mang lại kinh tế cao cho địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Kiến nghị giải pháp về tài nguyên môi trường nhằm thúc đẩy đầu tư
06:30, 15/11/2020
Phát triển thành phố Thanh Hóa xứng tầm là một mệnh lệnh
08:01, 11/11/2020
Chàng trai bỏ thành phố, quyết tâm làm giàu nơi vùng cao biên giới
05:25, 21/11/2020
Khởi nghiệp nông nghiệp: Thầy giáo bản làm giàu thành công từ nuôi thần kê
04:04, 09/11/2020