Tháo “nút thắt” hạ tầng cảng biển Bắc miền Trung

NGỌC THÁI 02/03/2023 15:28

Dù có nhiều tiềm năng để khai thác dịch vụ từ hậu cần cảng biển nhưng nhiều năm qua, do vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật nên năng lực phục vụ của loại hình này bị hạn chế.

>>Thẩm định thực tế các dự án tham gia bình chọn DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG 2022 khu vực miền Trung

 Cảng biển Cửa Lò được công nhận là cảng quốc tế loại I nhưng hàng chục năm qua, năng lực khai thác vận chưa thể đáp ứng tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ

Cảng biển Cửa Lò được công nhận là cảng quốc tế loại I nhưng hàng chục năm qua, năng lực khai thác vận chưa thể đáp ứng tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phát triển hệ thống logsitics, cảng cạn (Inland Container Depot – IDC) bị tắc nghẽn, năng lực cạnh tranh bị tụt giảm và nhiều hệ luỵ phát sinh nếu nút thắt về hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần cảng biển không sớm được tháo gỡ kịp thời.

Cuộc đua cạnh tranh gay gắt

Mới đây, tỉnh Nghệ An đã thống nhất, thông qua chủ trương chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc với nguồn vốn đầu tư 3.896 tỷ đồng.

Dự án được Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ vốn và tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển vận tải quốc tế đã thuê tổ chức tư vấn thiết kế Japan Port Consultant Ltd chủ trì khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ quy hoạch, thiết kế, cùng sự tham gia hợp tác của các tổ chức tư vấn khác (Royal Haskoning Việt Nam của Hà Lan thẩm tra, Dohwa Engineering Hàn Quốc, ESG Việt Nam).

Trước đó, vào năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển vận tải Quốc tế được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho đầu tư xây dựng dự án mở rộng cảng Cửa Lò (thuộc Khu kinh tế Đông Nam) tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc với tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn khách quan đến từ nhiều phía nên dự án đã bị đình trệ suốt nhiều năm.

Quy mô dự án gồm Khu cảng gồm 1 bến tàu cho tàu 30.000 DWT và 1 bến tàu cho tàu 50.000 DWT. Các hạng mục công trình hạ tầng hàng hải khác gồm: Tuyến đê chắn sóng dài 1.470m, luồng tàu và các thiết bị báo hiệu an toàn hàng hải.

Khu hậu phương cảng 20ha sẽ được xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng theo đúng quy hoạch chi tiết xây dựng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.

Còn theo quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, khu vực miền Trung có 3 nhóm cảng biển. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ có các cảng đầu mối khu vực loại I gồm các cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghệ An, Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế) để tập trung đầu tư, nâng cấp xứng tầm với quy hoạch phát triển vùng.

Và, cũng chính vì điều này nên những năm gần đây, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã ồ ạt đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển theo hướng chuyên nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Xu hướng đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp, cảng container cũng đang là “mốt” đối với nhiều tỉnh, thành như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”.

Nguy cơ “đứt gãy” chuỗi logistics

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay vấn đề xây dựng hậu cần sau cảng ở các tỉnh miền Trung đang ở trạng thái nhỏ lẻ, rời rạc.

Ông Hoàng Văn Ngoạn - Tổng giám đốc Công ty CP Vilaconic cho rằng, vấn đề đầu tư hệ thống cảng biển, tăng cuờng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua đường biển ở các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ hiện nay vẫn ở trạng thái manh mún, phân tán.

“Ngoài vấn đề đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, nhiều hạng mục công trình phụ trợ liên quan, các tỉnh cần có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin – viễn thông, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng đô thị một cách bài bản, hiện đại. Ngay như cảng Cửa Lò ở Nghệ An lâu nay vẫn chưa thể đón tàu công suất lớn đến 30 DWT đầy tải vào cập cảng vì hệ thống luồng lạch không đảm bảo. Còn trên bờ, dịch vụ hậu cần kho bãi, bảo quản sản phẩm…chưa thể đáp ứng khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản như chúng tôi phải tìm phương án vận tải khác thay thế” – ông Hoàng Văn Ngoạn cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật cảng biển Cửa Lò, nhất là hệ thống luồng lạch và tránh cảnh “tàu cá phá tàu hàng” khiến năng lực khai thác giảm sút, ông Bùi Kiều Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng này cũng không phải một sớm, một chiều để có thể làm ngay được.

Cũng theo đại diện nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Nghệ An, Hà Tĩnh…về quy hoạch lâu dài, đã đến lúc cần phải “phân vai” cụ thể cho mỗi địa phương trong việc xây dựng hệ thống cảng biển chuyên dụng chứ không thể theo hướng đại trà như thời gian qua.

Bởi tỉnh nào cũng muốn làm cảng dịch vụ tổng hợp thì sự cạnh tranh sẽ cùng kéo nhau xuống đáy. Khi đó, chuỗi cung ứng logistics dễ rơi vào trạng thái đứt gãy theo hiệu ứng domino nếu vùng hậu cần sau cảng gồm các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ mới…không phát triển tương xứng.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng: Liên kết khu công nghệ cao với các doanh nghiệp miền Trung

    Đà Nẵng: Liên kết khu công nghệ cao với các doanh nghiệp miền Trung

    11:22, 24/02/2023

  • Bất động sản miền Trung “sáng” ở phân khúc nào?

    Bất động sản miền Trung “sáng” ở phân khúc nào?

    03:00, 12/02/2023

  • Khó khăn bủa vây thị trường bất động sản miền Trung

    Khó khăn bủa vây thị trường bất động sản miền Trung

    13:00, 10/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tháo “nút thắt” hạ tầng cảng biển Bắc miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO