Trước thực trạng nhiều lao động nhận bảo hiểm xã hội 1 lần mà không chờ đến lúc về hưu, Bộ LĐ-TB-XH vừa đề xuất “thắt chặt” điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.
Báo động tình trạng hưởng BHXH 1 lần
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ 2016 - 2020, tổng số người hưởng BHXH 1 lần là trên 3,7 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia BHXH rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH. Báo cáo mới nhất của BHXH Việt Nam cho thấy quý 1/2021, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH 1 lần (tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020). Một số địa phương có số người hưởng BHXH 1 lần tăng cao như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng...
Nguyên nhân, theo BHXH Việt Nam, chủ yếu là do tác động của dịch bệnh COVID-19. Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho hay: “Dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho cuộc sống của rất nhiều người lao động. Bên cạnh đó, do một bộ phận nhỏ người lao động chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu”.
Ngoài nguyên nhân trên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, còn do điều kiện hưởng BHXH 1 lần hiện nay “quá dễ dàng” và không khuyến khích người lao động tích lũy năm đóng để hưởng lương hưu khi về già. Chế độ BHXH 1 lần được thực hiện theo quy định tại điều 60, điều 77 luật BHXH. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, trước phản ứng của công nhân lao động, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi trong Nghị quyết số 93/2015/QH13, theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Cụ thể, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm; người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; người lao động ra nước ngoài để định cư; người lao động đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS...
Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau 1 năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng BHXH 1 lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, 1 năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH 1 lần được xem như là có lãi, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận BHXH 1 lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.
Cần có chế tài thắt chặt quy định nhận BHXH một lần
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu tiền BHXH để hưởng lương hưu thay vì hưởng BHXH một lần. Theo đó, sẽ điều chỉnh quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần; có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần với người lao động tới tuổi hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và không có nhu cầu đóng tiếp (trừ trường hợp ra nước ngoài hoặc mắc bệnh hiểm nghèo); giảm điều kiện số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia về an sinh, BHXH hưu trí là cho dài hạn khi về hưu người lao động có lương, đồng thời cũng là sự chia sẻ giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, cần xem BHXH là khoản tiết kiệm nhưng có điều kiện, không phải ai thích rút là rút. Bởi các quốc gia khác đều quy định chỉ cho lao động rút BHXH một lần khi hết tuổi lao động và không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Và với Việt Nam, do đặc thù thị trường lao động vẫn có thể cho người lao động rút BHXH một lần, nhưng chỉ được rút phần lao động đóng, còn phần doanh nghiệp cùng đóng thì lao động không được rút…
Dưới góc độ khác, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, người lao động cần hiểu rằng tiền đóng vào Quỹ BHXH là “của để dành” của chính mình, khoản này không mất đi mà được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Do đó, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện.
“Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may qua đời thì còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần. Người lao động nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội- trở thành vấn đề đáng quan ngại cho xã hội trong tương lai. Do vậy, người lao động phải cân nhắc kỹ để bảo đảm cho tương lai”- ông Lợi khẳng định.
Có thể bạn quan tâm