Chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, hệ thống quản lý thuế đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, dự thảo Thông tư mới đây của Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn…
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ riêng năm 2018, các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đã trả cho Google và Facebook 900 triệu USD quảng cáo và theo báo cáo từ Vietnam Digital Marketing Trends 2020, dự báo năm 2021, mức doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt khoảng 955 triệu USD, trong đó đến 80% “miếng bánh” doanh thu khổng lồ này rơi vào túi Google, Facebook... chưa kể đến AppleTV, Netflix, iQIYI… với 1 triệu thuê bao đang không ngừng tăng mạnh tại Việt Nam với doanh thu 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, hiện có 15 Tập đoàn, Công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm, số tiền thuế dự toán từ 15 tập đoàn này sẽ rơi vào khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp này đều không có trụ sở chính thức tại Việt Nam, đã gây ra khó khăn không nhỏ về công tác quản lý thuế, trong khi các doanh nghiệp trong nước có đóng hộ các nền tảng nước ngoài này vẫn chỉ là thuế gián thu, việc thu thuế hiện nay phụ thuộc vào sự nghiêm túc của các doanh nghiệp khi khai báo thông tin.
Đánh giá về thực tế này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hai nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất ở Việt Nam là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là điều bất công.
Từ đó có thể thấy, hệ thống thuế chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” khiến các doanh nghiệp công nghệ lợi dụng chỉ trả mức thuế rất thấp, hoặc không phải trả bất cứ đồng thuế nào trong khi thu được lợi nhuận “khổng lồ”.
Trước đòi hỏi của thực tế hiện nay, mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Dự thảo này được kỳ vọng là lời giải cho bài toán thất thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới bấy lâu nay.
Theo đó tại dự thảo Thông tư, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Google, Facebook, YouTube, Netflix,… dù không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, nhưng hoạt động qua phương thức thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ phải đăng ký thuế, khai thuế và nộp các nghĩa vụ thuế tại cơ quan quản lý thuế của Việt Nam.
Dự kiến, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài được phép đăng ký giao dịch điện tử, đăng ký thuế lần đầu thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Đại diện của Tổng cục Thuế cho biết, sau khi khai báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, các doanh nghiệp như Facebook, Google… sẽ thực hiện quy định về khai, nộp thuế với nhiều giải pháp khác nhau để họ lựa chọn như: kê khai qua đại lý, kê khai qua tổ chức tư vấn thuế, Công ty kiểm toán, đại lý thuế hoặc khai trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Đánh giá về dự thảo, nhiều chuyên gia nhận định, phương pháp quản lý thuế đối với doanh nghiệp xuyên biên giới tại dự thảo thông tư này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở ở nước sở tại kê khai và nộp thuế. Việc thu thuế của Facebook, Google, TikTok… sẽ đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh đối với các doanh nghiệp Việt Nam và là cơ sở để yêu cầu họ tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Thông tin với báo chí, ông Lê Đình Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) chia sẻ, việc không bị ràng buộc khiến các thương hiệu ngoại chiếm hơn 50% thị phần và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường truyền hình trả tiền. Doanh nghiệp truyền hình Việt Nam khi nhập khẩu nội dung, mua bản quyền để phát sóng đều phải đóng thuế; khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng nộp thuế và hàng năm phải nộp thuế doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới chưa thực hiện trách nhiệm về thuế, cũng như chưa tuân thủ các quy định quản lý nội dung khác.
Bên cạnh những đánh giá, các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc đánh thuế trực thu đối với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube, Netflix… sẽ không dễ dàng khi các nền tảng này luôn đưa ra nhiều lý do để lẩn tránh, chính vì vậy, cần có chế tài phạt nặng và có các giải pháp tài chính, kỹ thuật phù hợp để buộc họ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến thực trạng đã nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các nền tảng xuyên biên giới hoạt động kinh doanh không thông qua một đối tác quảng cáo ở Việt Nam, mà tự thu tiền về tài khoản của mình như vậy là bất hợp pháp. Hậu quả là không kiểm soát được nội dung, “chảy máu” doanh thu ra nước ngoài, thất thu nguồn thuế cho Nhà nước và làm thiệt hại thị phần của các doanh nghiệp nội dung số trong nước.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang sửa đổi quy định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới, bổ sung những quy định của Chính phủ về thuế, tài chính để gắn trách nhiệm với các nền tảng xuyên biên giới, áp dụng giải pháp kỹ thuật nhằm yêu cầu các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Lo ngại rủi ro trong dự thảo Thông tư quản lý thuế
04:00, 08/04/2021
Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý thuế: Một số quy định chưa phù hợp và thiếu thống nhất
04:00, 07/04/2021
Quản lý thuế đối với giao dịch “lan đột biến” như thế nào?
18:09, 26/03/2021
Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
03:30, 09/12/2020
Mô hình mới cho quản lý thuế các doanh nghiệp lớn
00:37, 22/11/2020