Để giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm, chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tăng cường nhân sự, thay đổi chu kỳ kiểm định ô tô cũng được cho là một trong những giải pháp cần thiết…
>> Miễn kiểm định lần đầu với ô tô mới để giảm áp lực đăng kiểm
Theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, lượng xe dự kiến quá hạn kiểm định tháng 3 tại Hà Nội khoảng 78.600 (các trung tâm đăng kiểm chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu); tại TP. Hồ Chí Minh, lượng xe bị quá hạn dự kiến 29.900 (khả năng đáp ứng của đơn vị đăng kiểm chỉ 49% nhu cầu)…
Thực tế, sau 4 tháng “truy quét” sai phạm tại hàng loạt trung tâm đăng kiểm, hiện công an tại 30 tỉnh thành đã khởi tố khoảng 50 vụ án về sai phạm đăng kiểm xe cơ giới, với tổng cộng gần 500 người bị điều tra về 7 tội danh… Đáng nói, sau hàng loạt vụ việc đã nêu, hệ thống đăng kiểm nhiều nơi đã trở lên quá tải, trong đó, tính đến ngày 10/3, Hà Nội chỉ còn 8/31 trung tâm đăng kiểm mở cửa với 13/61 dây chuyền; TP. Hồ Chí Minh có 10/19 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động với 22/48 dây chuyền…
Để giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm, lực lượng đăng kiểm viên thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã tham gia hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm, đồng thời Cục Đăng kiểm cũng tổ chức thi sát hạch bổ sung nhân sự. Tuy nhiên, trước đòi hỏi từ thực tế, mới đây Bộ trưởng Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Đăng kiểm lấy ý kiến chuyên gia về chu kỳ đăng kiểm xe, theo thời gian hay km (hiện chu kỳ kiểm định được tính theo số tháng hoạt động của phương tiện, xe kinh doanh vận tải chu kỳ ngắn hơn xe gia đình).
Theo Bộ trưởng Thắng, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần đề xuất nội dung sửa đổi chu kỳ kiểm định xe trong Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, cùng với đó là quy định miễn kiểm định lần đầu đối với phương tiện mới sản xuất. Đồng thời, sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, trong đó cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô được kiểm định xe cơ giới…
Trong đó, yêu cầu của Bộ trưởng về việc nghiên cứu thay đổi chu kỳ kiểm định nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi trước đó, không ít ý kiến cho rằng, chu kỳ kiểm định hiện nay còn bất cập, gây lãng phí không cần thiết, thiếu tương đồng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc kéo dài chu kỳ kiểm định được cho là một trong những giải pháp giảm áp lực cho người dân và đơn vị đăng kiểm.
>> Giải quyết dứt điểm ùn tắc đăng kiểm trong tháng 3/2023
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, xe gia đình, không kinh doanh vận tải cần được kéo dài chu kỳ kiểm định hơn bởi nhiều gia đình không thường xuyên sử dụng ôtô, lại bảo dưỡng xe cẩn thận.
Thông tin với báo chí về giải pháp chống ùn tắc đăng kiểm trước đó, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, Cục Đăng kiểm phải làm tốt công tác điều phối, tăng cường đăng kiểm viên, động viên, tạo điều kiện để những đăng kiểm viên đang được tại ngoại tham gia vào công tác kiểm định. Từ đó, có lực lượng hỗ trợ cho các dây chuyền đăng kiểm được hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Tạo, cơ quan chức năng nên nghiên cứu để điều chỉnh lại về chu kỳ đăng kiểm cho hợp lý.
“Với chu kỳ hiện nay, những xe cũ 6 tháng phải đăng kiểm 1 lần thì có thể xem xét nâng thời gian lên 9 tháng. Những phương tiện 1 năm kiểm định 1 lần có thể nâng thời gian lên 1 năm 3 tháng, 1 năm 6 tháng,...”, ông Tạo chia sẻ
Theo ông Tạo, việc quy định thời gian đăng kiểm như hiện nay cũng hợp lý bởi trước đây các phương tiện cũ rất nhiều, do đó phải co ngắn chu kỳ đăng kiểm lại để đảm bảo tính an toàn cho phương tiện. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các phương tiện mới trở nên nhiều hơn, chất lượng mặt bằng chung của các phương tiện đều tốt lên. Như vậy, chu kỳ kiểm định của Việt Nam có thể tiếp cận với thời hạn đăng kiểm giống nhiều nước trên thế giới.
“Công tác kiểm định chỉ là đánh giá chung về mức độ an toàn của phương tiện ở thời điểm đó để cảnh báo về những nguy cơ. Thực tế trong quá trình sử dụng, lái xe và chủ phương tiện đều quan tâm điều kiện an toàn của xe”, ông Tạo bày tỏ, đồng thời cho rằng, phương án gia hạn thời gian đăng kiểm cần sớm được nghiên cứu, bởi phương tiện hiện đang xếp hàng rất dài, gây phiền hà cho người dân.
Cùng quan điểm đã nêu, chuyên gia giao thông - Nguyễn Xuân Thủy cũng cho hay, Cục Đăng kiểm cần phải nghiên cứu lại thời hạn đăng kiểm, có danh sách đề nghị loại xe nào cần phải tăng thời gian đăng kiểm lên, loại xe nào bỏ đăng kiểm lần đầu,...
“Mình nên học tập đăng kiểm của các nước tiên tiến. Với một thành phố có 3-5 triệu phương tiện thì họ sẽ đăng kiểm như thế nào, chúng ta cần nghiên cứu và học hỏi cách làm và áp dụng vào điều kiện ở Việt Nam cho hợp lý”, ông Thủy chia sẻ.
Theo ông Thủy, Cục Đăng kiểm cần nghiên cứu kỹ, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải có Thông tư thống nhất để tăng thời gian đăng kiểm lên. Đó là giải pháp cần thiết vào thời điểm hiện tại và phải làm hết sức thận trọng, có kiểm tra kỹ, có giám sát. Những sai phạm thuộc về đăng kiểm và thuộc về khách hàng phải kiểm tra và xử lý chặt chẽ hơn nữa.
Được biết, trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông. Đồng thời, yêu cầu phải có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3/2023.
Có thể bạn quan tâm
Miễn kiểm định lần đầu với ô tô mới để giảm áp lực đăng kiểm
12:19, 10/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Huy động đăng kiểm viên địa phương khác tăng cường cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
21:51, 09/03/2023
TP.HCM: Nguy cơ đứt gãy tại các trung tâm đăng kiểm diễn ra sớm hơn dự kiến?
11:51, 09/03/2023
Giải quyết dứt điểm ùn tắc đăng kiểm trong tháng 3
08:07, 09/03/2023
“Tháo gỡ" cho ngành đăng kiểm: Cần giải pháp đồng bộ, lâu dài
00:30, 01/03/2023