Tình trạng thiếu hụt nhân sự đăng kiểm đang rất căng thẳng tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương trên cả nước, do nhiều trung tâm đang bị điều tra hoặc không đủ điều kiện hoạt động…
>>Đề xuất cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa được làm đăng kiểm: Lại lo biến tướng
Nguy cơ “khủng hoảng”
Theo số liệu mới nhất của Cục Đăng kiểm Việt Nam (tính đến ngày 27/2), cả nước có 121/489 dây chuyền kiểm định phải tạm dừng hoạt động do đơn vị đăng kiểm đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị Định 139/2028/NĐ-CP hoặc tự đóng cửa. Căng thẳng nhất là tại hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, Hà Nội chỉ còn 16/31 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động với 31/61 dây chuyền kiểm định (chiếm 53% so với trước đây).
Con số này của TP Hồ Chí Minh là 11/19 đơn vị đăng kiểm hoạt động với 26/48 dây chuyền kiểm tra (chiếm 54% so với trước đây). Với tình trạng thiếu nhân sự như hiện nay, dự báo trong thời gian tới, số đơn vị đăng kiểm phải dừng hoạt động tại hai địa phương này sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm.
Đáng chú ý, hiện, tín hiệu "quá tải" đã bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Yên Bái. Một loạt trạm đăng kiểm tại Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ đóng cửa phục vụ điều tra, dẫn tới việc tài xế dồn sang Yên Bái đăng kiểm, gây ra tình trạng ùn tắc.
"Các tỉnh, thành phố nhỏ đã có sự ùn tắc kiểm định xe cơ giới và sẽ lan nhanh đến các thành phố lớn", đại diện Cục Đăng kiểm cảnh báo.
Thống kê cho thấy, số lượng phương tiện không được kiểm định qua từng tháng sẽ ngày càng gia tăng và không có phương án giải quyết số lượng ôtô quá hạn đăng kiểm vì các tháng sau đó năng suất kiểm định vẫn nhỏ hơn nhu cầu của người dân. Do vậy, nguy cơ đứt gãy dẫn tới đổ vỡ hệ thống đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành hiện hữu.
Với số lượng dây chuyền hoạt động hiện nay, toàn TP Hà Nội dự kiến kiểm tra được khoảng 1.240 xe/ngày (tương đương 32.240 xe/tháng). TP.HCM dự kiến kiểm tra được 1.040 xe/ngày (tương đương 27.040 xe/tháng).
"Dự báo nếu không có sự thay đổi, số lượng trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và TP.HCM trong các tháng tiếp theo sẽ không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân, đặc biệt có những tháng sẽ xuất hiện ùn tắc nghiêm trọng do năng lực kiểm tra chỉ đáp ứng 31% nhu cầu của người dân", Cục Đăng kiểm thông tin.
>>Lộ bất cập từ các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa
Cần giải pháp đồng bộ, lâu dài
Trao đổi với báo chí dưới góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng Kiểm Việt Nam) cho rằng, về mặt lý thuyết, giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự là bổ sung thêm người. Tuy nhiên, với ngành đăng kiểm hiện nay, cách làm này không dễ để thực hiện và có thực hiện cũng cần thời gian nhất định.
Theo ông Phương, đặc thù của ngành đăng kiểm đòi hỏi công tác tuyển dụng, đào tạo và lựa chọn nhân sự cần nhiều thời gian và tiêu chuẩn riêng. Thông thường, sau khi tuyển dụng, những người thi đạt sẽ phải trải qua một khoá đào tạo, thực hành trong khoảng thời gian 1 năm.
Sau khi trải qua thời gian đào tạo, nhân sự còn tiếp tục trải qua một cuộc thi tuyển nữa để cấp chứng chỉ đăng kiểm viên bậc thường, còn để đạt đăng kiểm viên bậc cao, sẽ mất thêm thời gian 3 năm kế tiếp kể từ khi trở thành đăng kiểm viên bậc thường. Các đăng kiểm viên này phải được tập huấn, đào tạo, trải qua kỳ thi và phải thông qua tất cả hạng mục đánh giá để được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên bậc cao, chỉ cần một hạng mục không đạt sẽ bị trượt.
Riêng những người muốn trở thành đăng kiểm viên bậc cao phải làm công tác kiểm định xe liên tục trong 4,5 năm. Trong lĩnh vực đăng kiểm, kiểm định viên bậc cao là vô cùng quan trọng bởi đây là lực lượng nòng cốt, đặc biệt với đăng kiểm xe cơ giới. Bởi để làm việc tại Phòng Kiểm định xe cơ giới, đăng kiểm viên phải có từ 5 - 10 năm làm việc mới đủ kinh nghiệm, các loại chứng chỉ để tự tin hoạt động độc lập.
Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới cũng cho biết, trước mắt, ngành đăng kiểm vẫn đang phải trông chờ vào những đợt bổ sung nhân sự mới để giải quyết tình trạng thiếu hụt đăng kiểm viên hiện nay.
“Sắp tới có một đợt đăng kiểm viên thực tập, người ta đã thực tập đủ 12 tháng, chúng tôi sẽ đánh giá, nếu ai đạt nhiêu cầu thì sẽ cấp chứng chỉ” – ông Nguyễn Văn Phương nói và cho biết thêm, đợt bổ sung sắp tới có khoảng 50 người nhưng đấy chỉ là số lượng, còn về chất lượng, ai đạt yêu cầu còn phải đánh giá tiếp.
Tiếp đó, đến đầu tháng 4/2023, sẽ lại có thêm một đợt bổ sung nhân sự khác với số lượng tương tự. Ông Phương cho hay, ngoài hai đợt bổ sung nhân sự này, ngành đăng kiểm đang lên kế hoạch đào tạo tiếp cũng như chuẩn hóa lại quy trình đào tạo, chuẩn hóa giảng viên… để đảm bảo có nguồn cung cấp nhân sự đều và ổn định trong thời gian tới.
Được biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trình Bộ GTVT về việc miễn kiểm định lần đầu cho ô tô nhập khẩu và lắp ráp mới. Ngành đăng kiểm kỳ vọng sẽ được thực hiện chính sách này từ tháng 7/2023. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ giảm tải được một phần xe mới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, bởi để giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân sự của ngành đăng kiểm hiện nay cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, ngoài tăng cường nhân sự mới, giải pháp động viên tinh thần cho những đăng kiểm viên đang làm việc cũng là việc làm rất quan trọng.
Bởi, nói như Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh ngành đăng kiểm để không ai còn dám làm sai. Ai vi phạm phải xử lý trước pháp luật, nhưng ai không vi phạm cần được bảo vệ. Những điều tốt cần được biểu dương, cần được khích lệ để làm tốt hơn vì mục đích phục vụ người dân.
Có thể bạn quan tâm