Thấy gì sau vụ việc 82 dự án BT tại Hà Nội bị dừng lại?

GIA NGUYỄN 06/07/2021 04:20

Không chỉ là dấu chấm hết cho hơn 2 thập kỷ “hoàng kim”, việc Hà Nội chính thức dừng 82 dự án BT hậu “khai tử” có thể coi là một bước ngoặt mới, thế nhưng, cũng có thể là thách thức không nhỏ…

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước eo hẹp, các dự án hợp tác công - tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) là một giải pháp thiết thực để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, hơn 2 thập kỷ tồn tại ở Việt Nam, bộ mặt nhiều đô thị, trong đó có TP. Hà Nội đã được “lột xác” rõ ràng.

Tuy nhiên, khoảng trống pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đã khiến cho hình thức này không còn giữ được những giá trị vốn có, mà còn tạo ra những tác dụng ngược, khiến chủ trương đúng đắn này từ công cụ để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước lại trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những đối tượng cơ hội và nhóm lợi ích. Báo cáo từ Kiểm toán Nhà nước đã từng chỉ ra hàng loạt bất cập, hạn chế của dự án BT.

Dù đã có một dấu chấm hết, thế nhưng, dư luận vẫn băn khoăn về những thất thoát tại các dự án BT sẽ được xử lý như thế nào - Ảnh minh họa

Dù đã có một dấu chấm hết, thế nhưng, dư luận vẫn băn khoăn về những thất thoát từ đất đối ứng cho các dự án BT sẽ được xử lý như thế nào? - Ảnh minh họa

Theo đó, điểm chung của các dự án này đều có bất cập về công tác công bố dự án, chỉ định thầu, giám sát lỏng lẻo, phê duyệt điều chỉnh một số nội dung không đúng quy định và còn sai sót, phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT. Bên cạnh đó, còn có tình trạng ký hợp đồng chưa đúng quy định, không bảo đảm nguyên tắc ngang giá, không quy định cơ cấu tỷ lệ vốn.

Ngoài ra, hầu hết dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh, tăng chi phí đầu tư, không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu, gây bức xúc trong xã hội.

Thực tế cho thấy, dự án BT càng triển khai càng bộc lộ rõ những bất cập, tạo ra xung đột lợi ích rất lớn, nếu không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ khó được kiểm soát khi tại nhiều dự án, “đất vàng” đã trao tay, doanh nghiệp tích cực xây nhà hoặc phân lô bán nền nhưng hạ tầng “trả lại” cho Nhà nước vẫn nằm án binh bất động hoặc triển khai ì ạch. Nhà nước đã phải trả một cái giá quá đắt cho nhiều dự án hạ tầng giao thông, đồng thời không thu được giá trị gì từ quỹ đất công – một nguồn lực không kém phần quan trọng để tạo vốn phát triển đô thị. Nhà đầu tư lợi cả đôi đường còn ngân sách Nhà nước lại thất thoát “kép”.

Đơn cử như dự án đầu tư tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát trên địa bàn huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai), tuyến đường nối từ Khương Trung (Thanh Xuân) đến Giải Phóng (đối diện với đường Kim Đồng hiện nay) dài 2,1km với tổng vốn đầu tư là 1.300 tỉ đồng, thế nhưng, đã 18 năm trôi qua dự án vẫn chưa được hoàn thành…

Đổi lại UBND TP. Hà Nội đã giao cho nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư, xây dựng và kinh doanh Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, quận Hoàng Mai, với diện tích khu đất thực hiện xây dựng khu đô thị mới khoảng 1.357.650 m2, trong đó trên địa bàn phường Đại Kim khoảng 74.928 m2 và phường Định Công khoảng 1.282.722 m2.

Dự án đường vành đai 2,5 với hơn 18 năm chậm trễ là một trong những dự án điển hình cho thấy những tồn tại từ hình thức

Dự án đường vành đai 2,5 với hơn 18 năm chậm trễ là một trong những dự án điển hình cho thấy những tồn tại từ hình thức BT - Ảnh minh họa

Thông tin với báo chí, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định: “Việc thực hiện dự án BT thời gian qua đã làm hỏng đi chính sách tốt của Nhà nước. Đáng ra chính sách này là nhằm để đỡ gánh nặng Nhà nước, nhằm tạo công trình phục vụ lợi ích công cộng thì giờ trở thành phục vụ lợi ích của một nhóm người với lợi ích riêng nào đó. Đồng thời, việc thực hiện dự án BT ở một số nơi không đem đến hiệu quả và lợi ích cấp thiết như mong muốn”.

Và mới đây, sau quá trình rà soát, TP. Hà Nội đã công bố chính thức dừng 82 dự án BT hạ tầng giao thông, trong đó có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa ký hợp đồng, 11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, việc dừng triển khai các dự án BT trên địa bàn xuất phát từ quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hiệu lực từ 01/01/2021.

Sự việc trên đã đánh dấu một bước ngoặt khi dự án BT đã chính thức bị “khai tử”, loại bỏ khỏi phương thức đối tác công - tư PPP, một thời “hoàng kim”, vẻ vang nhưng đầy bất cập và biến tướng của dự án BT đã chính thức chấm dứt.

Tuy nhiên, với việc 82 dự án đầu tư hạ tầng giao thông bị dừng lại, trong đó có không ít dự án chậm tiến độ, cần cấp bách triển khai để đảm bảo bức tranh phát triển đô thị theo đúng lộ trình, kế hoạch không bị đứt gãy đã đặt ra bài toán tìm nguồn lực nào, hình thức đầu tư nào để thay thế cho BT?

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần cấp thiết xem xét, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp để tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng, nhưng dù là hình thức nào, đấu giá hay đối tác công tư theo Luật PPP thì cũng phải tuân thủ tính công khai, minh bạch, dựa trên quy hoạch phát triển đô thị chứ không dựa trên đề xuất của nhà đầu tư.

Cũng theo các chuyên gia, việc rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế... (dự kiến khoảng 8.900ha) để tổ chức đấu thầu, đấu giá tạo nguồn đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm cũng được đánh giá là giải pháp hiệu quả mà Hà Nội cần chú trọng lúc này.

Thế nhưng, ngoài giải pháp thay thế để tiếp tục phát triển hạ tầng, thì dư luận vẫn thường trực câu hỏi: hậu quả từ những dự án BT, ai sẽ chịu trách nhiệm? Những tài sản mà Nhà nước đã bỏ ra đối ứng sẽ được xử lý như thế nào? Có cân đối lại để thu hồi hay để thất thoát? Vẫn cần có một câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan quản lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu kỳ

    Hậu kỳ "khai tử" các dự án BT: Vẫn nhức nhối vấn đề... thất thoát ngân sách

    11:01, 26/09/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 10): Lỗi tại… chủ đầu tư?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 10): Lỗi tại… chủ đầu tư?

    11:00, 21/07/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 9): Tuyến đường 2,1km… 3 nhiệm kỳ chưa hoàn thành!?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 9): Tuyến đường 2,1km… 3 nhiệm kỳ chưa hoàn thành!?

    06:30, 13/07/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 8): Nhiều địa phương vẫn đang… chạy “nước rút”!?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 8): Nhiều địa phương vẫn đang… chạy “nước rút”!?

    06:06, 09/07/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 7): Xong con đường, nhà trường… “mất đất”!?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 7): Xong con đường, nhà trường… “mất đất”!?

    06:06, 02/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì sau vụ việc 82 dự án BT tại Hà Nội bị dừng lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO