LTS: Thể chế hóa “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” là điều kiện không thể thiếu để Việt Nam thực hiện khát vọng quốc gia hùng cường.
>>Tại sao doanh nghiệp khởi nghiệp nên giữ chân nhân tài?
Cứ mỗi dịp Quốc Khánh 2/9, khát vọng đất nước độc lập và hùng cường từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lại trỗi dậy trong mỗi chúng ta. Trải qua 40 năm (1945 – 1985), chúng ta đã thành công với việc giành lại và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Từ năm 1986 đến nay, những nỗ lực đổi mới đất nước về bản chất cũng là xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc trong tình hình mới. Chúng ta phải dựa vào chính mình trên con đường phát triển chứ không còn nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa như trước đó.
Tuy nhiên, phải khách quan thừa nhận là sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta chưa đạt được mục tiêu quốc gia giàu mạnh và hùng cường. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt hơn 3.000 USD/năm, vẫn đang thuộc nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình. Trên nhiều phương diện, chúng ta còn đang ở phía sau khá xa so với các nước tiên tiến trong khu vực. Chính bởi thế, đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra quyết tâm, thông qua tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Hiện thực hóa được ước vọng 2045 là chúng ta đã thực hiện được tâm nguyện của Bác Hồ và đông đảo nhân dân từ tròn 100 năm trước.
Để đất nước trở nên hùng cường, chúng ta đứng trước ba thách thức lãnh đạo then chốt. Thứ nhất là nguy cơ nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mãi xa vời với giấc mơ quốc gia hùng cường. Mặc dù Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp từ năm 2009 nhưng triển vọng gia nhập nhóm nước thu nhập cao vẫn còn rất khó khăn. Để trở thành nước phát triển, chúng ta phải nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 12.000 đến 15.000 USD/năm, chỉ số phát triển con người phải vượt 0.8. Đây là những thách thức rất lớn cho hai thập kỷ tới, đòi hỏi phải có những xung lực mới để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bứt phá vươn lên.
Thách thức thứ hai là tiến trình hiện đại hóa nền quản trị quốc gia như đã được đề ra tại đại hội XIII. Bối cảnh trong nước và thế giới hiện đại đang cho thấy những bất cập của tư duy quản lý nhà nước truyền thống vốn nhấn mạnh vai trò của chính quyền trước những vấn đề mới, ngày càng trở nên nan giải. Bởi thế, tư duy quản trị quốc gia phù hợp với xu thế chung của thời đại, đề cao sự hợp tác vì mục đích chung giữa chủ thể nhà nước với các chủ thể ngoài nhà nước, là sự kết hợp linh hoạt giữa cơ chế hành chính với cơ chế thị trường và cơ chế tự nguyện. Đó cũng là sự đa dạng hóa và hiện đại hóa các cơ chế và phương tiện chính sách để có thể giải quyết được các vấn đề mang tính tập thể trong một thế giới luôn biến động, phụ thuộc lẫn nhau, khó lường, và không chắc chắn hiện nay.
Thách thức thứ ba là chúng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tài năng, với tư cách là lực lượng dẫn dắt, truyền cảm hứng và tạo động lực cho mọi lực lượng xã hội. Nhìn ra các nước trong khu vực Đông Á thì thấy sự hưng thịnh thần kỳ của họ từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20 đều có dấu ấn của tầng lớp lãnh đạo xuất sắc. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapre là những quốc gia tiêu biểu đã chọn lựa và nuôi dưỡng được những cá nhân không chỉ tài năng mà còn cháy bỏng khát vọng đưa đất nước vươn lên chỉ sau vài ba thập kỷ.
>>Tạo động lực cho nhân tài phát huy giá trị
>>Săn tìm nhân tài là thực tế mới của ngành du lịch Việt Nam
>>Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Bài học thành công của các cường quốc trong khu vực cho thấy một đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tài năng, cháy bỏng khát vọng quốc gia hùng cường là điều kiện không thể thiếu để chúng ta có thể bứt phá. Tuy nhiên, như nhận định trong Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành TW khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. thì: “nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh…Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực… nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp,…khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”.
Thực tế nêu trên đang đặt ra nhu cầu cấp bách phải đẩy nhanh tiến độ ban hành hệ thống chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tài năng trong thời gian tới. Cuối năm 2020, Bộ Nội Vụ công bố dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” nhưng thách thức tiếp theo là phải thể chế hóa một cách chặt chẽ để chúng ta có được hệ thống thể chế trọng người tài – tức là một tập hợp những nguyên tắc, quy trình, và chuẩn mực do nhà nước ban hành để phát hiện, tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt thăng tiến, giám sát, đánh giá, và thay thế đội ngũ nhân sự khu vực công. Đặc điểm quan trọng nhất của thể chế trọng người tài là nó được vận hành dựa trên nguyên tắc cạnh tranh năng lực.
Với thể chế trọng người tài, mọi cá nhân đều bình đẳng về cơ hội làm việc cho khu vực công, không phụ thuộc vào xuất thân, tài sản, địa vị xã hội, đặc quyền, hay các quan hệ cá nhân. Thể chế trọng người tài sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố ngoài năng lực chuyên môn, nhờ đó các cơ quan nhà nước không chỉ chọn đúng người thực tài, mà còn có thể thanh lọc những người yếu kém, giúp cho đội ngũ cán bộ công quyền luôn bảo đảm chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 03/08/2022
02:00, 30/07/2022
05:16, 22/07/2022
04:00, 17/05/2022