Ngay sau khi Nga tuyên bố công nhận độc lập với hai vùng lãnh thổ ly khai ở Donbas, các cường quốc trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành động này.
>>Putin mưu gì khi công nhận Donetsk và Luhanks độc lập?
Mỹ tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt Nga sau phản ứng thận trọng ban đầu trước việc Tổng thống Vladimir Putin ký lệnh điều quân tới hai vùng ly khai thân Nga của Ukraine. “Chúng tôi dự định thông báo các lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào ngày mai, để phản ứng trước quyết định và hành động trong hôm nay của Moscow”, một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết. “Chúng tôi đang trao đổi với đồng minh và đối tác để ra thông báo”.
Ban đầu, Mỹ chưa lập tức áp lệnh trừng phạt vào Nga. Một quan chức chính quyền Biden khi ấy cho biết việc Nga đưa lực lượng “gìn giữ hòa bình” vào vùng ly khai của Ukraine chưa đủ để Mỹ kích hoạt các lệnh trừng phạt rộng hơn.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết cũng sẽ ra quyết định áp gói lệnh trừng phạt đối với Nga vì quyết định công nhận độc lập vùng ly khai của Ukraine. “Đây là một sự kiện rất nghiêm trọng. Vào ngày mai hoặc ngày kia, EU sẽ ra quyết định áp gói trừng phạt hạn chế đối với những người đứng đằng sau việc này”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh.
Trong cuộc họp khẩn của Liên Hợp Quốc, bà Rosemary DiCarlo, người đứng đầu các vấn đề chính trị của cơ quan này cho biết Liên Hợp Quốc lấy làm tiếc về việc Nga ra lệnh cho lực lượng “duy trì hòa bình” tới vùng ly khai ở miền Đông Ukraine. Tổng Thư ký Antonio Guterres nói rằng, quyết định của Nga "vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraina và không phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg nói rằng ông lên án quyết định của Nga trong việc mở rộng sự công nhận cho Donetsk và Luhansk.
Về phía các cường quốc trong khu vực, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức, Pháp và Mỹ đã nhất trí đáp trả hành động của Nga. Người phát ngôn không cho hay các biện pháp trừng phạt mà các đồng minh phương Tây sẽ áp đặt với Nga. Bên cạnh đó, nguồn tin này cũng cho biết thêm, Thủ tướng Olaf Scholz đã trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Các đối tác đã thống nhất quyết tâm không buông lỏng cam kết với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina" - thông cáo của người phát ngôn nhấn mạnh.
>>Vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt có mục tiêu của Liên minh Châu Âu đối với Nga. Trước đó, Tổng thống Pháp vẫn kiên trì thúc đẩy hoạt động ngoại giao để tháo gỡ căng thẳng Nga - Ukraine. Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng phản ứng trước quyết định của ông Putin khi gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Theo Thủ tướng Anh, cần kích hoạt gói trừng phạt rất mạnh mẽ nhằm ngăn chặn động thái của Nga.
Phản ứng tương tự, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết Úc sẽ cùng các đồng minh về các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Morrison nói trong một cuộc họp báo rằng Nga nên rút quân vô điều kiện và ngừng đe dọa các nước láng giềng. Theo ông Morrison, một số ý kiến cho rằng động thái của Nga đang gìn giữ hòa bình là vô nghĩa.
Có thể thấy, việc Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của DNR và LNR đã mang đến một cú sốc bất ngờ với Mỹ và phương Tây. Trong bài phát biểu của mình, ông Putin nói Ukraine là một phần không thể tách rời trong lịch sử Nga, vùng đông Ukraine là miền đất của Nga từ thời xa xưa. Sau khi công nhận độc lập của DNR và LNR, ông Putin cho biết sẽ tiến tới ký các thỏa thuận hợp tác với những lãnh đạo khu vực này.
Tuyên bố gây sốc của ông Putin đã khiến cả phương Tây và Ukraine gặp khó khăn khi các quốc gia bày tỏ sự lo ngại rằng động thái này sẽ cho phép quân đội Nga tiến vào các khu vực phía đông của Ukraine. Trong khi các quốc gia vẫn còn trông chờ phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nào đối với Nga, Ukraine hiện lo ngại mất một vùng lãnh thổ rộng lớn khác vào tay Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Theo các chuyên gia nhận định, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, bị phản đối mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, bằng việc công nhận độc lập của DPR và LPR, Nga có điều kiện hơn để can dự ở Donbass. Có thể nói Nga đã đóng một cái chốt chặn vào tham vọng gia nhập NATO của Ukraine. Đồng thời thực sự cho thấy Nga không cần tiến hành chiến tranh vẫn có thể làm thất bại ý đồ đông tiến của NATO. Mỹ và đồng minh buộc phải xem xét thận trọng các đề xuất bảo đảm an ninh của Nga.
Vấn đề Ukraine đã nóng, lại càng nóng hơn. Tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và bất ngờ. Nhưng trong tương lại gần, chiến tranh ít có khả năng xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Putin mưu gì khi công nhận Donetsk và Luhanks độc lập?
09:12, 22/02/2022
Putin và chủ nghĩa dân tộc Nga kiểu mới
06:00, 07/07/2021
Putin và thông điệp của nước Nga
05:43, 23/04/2021
Vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine
04:01, 22/02/2022
Căng thẳng Nga- Ukraine tác động thế nào đến giá vàng tuần tới?
12:30, 20/02/2022