Các nghiên cứu giải trình tự gene cho thấy biến thể mới Delta plus, hay AY.1, lây lan dễ dàng hơn, liên kết dễ dàng hơn với các tế bào phổi và có khả năng kháng các liệu pháp điều trị Covid-19.
Mặc dù chưa có đủ dữ liệu chứng minh biến chủng mới dễ lây nhiễm hơn hoặc có thể gây bệnh nặng hơn các biến thể trước, nhưng các nhà khoa học cho rằng, việc chứa thêm một đột biến gọi là K417N, giống như biến thể Beta và Gamma, giúp chủng này có thể lây nhiễm và lan truyền dễ dàng hơn giữa những ca từng nhiễm virus hoặc có hệ thống miễn dịch nhờ vaccine yếu hay chưa hoàn thiện.
Tiến sĩ Anurag Agarwal - Giám đốc Viện gene và sinh học tích hợp (IGIB) ở New Delhi, một trong 28 phòng thí nghiệm chuyên về giải trình gene của Ấn Độ nhận định, vấn đề quan trọng là virus SARS-CoV-2 đã lây lan quá rộng, đến mức có rất nhiều cơ hội để đột biến. Tất cả các dòng của biến thể Delta đều là đáng lo ngại, điều này cũng tương tự như với biến thể Delta plus, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát lại vào cuối hè hoặc đầu thu.
“Việc sở hữu nhiều đột biến khiến biến chủng Delta trở thành biến thể “nhanh nhất và phù hợp nhất” thay thế cho chủng gốc được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Các triệu chứng bệnh do biến thể này gây ra cũng biểu hiện khác với các chủng biến thể khác. Những người có biến thể Delta thường có hiện tượng đau đầu, đau họng và chảy nước mũi, thay thế cho những triệu chứng phổ biến nhất là ho và mất khứu giác”, chuyên gia này phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia Agarwal cho biết thêm, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy biến chủng Delta plus có thể gây ra lo lắng hoặc gia tăng áp lực lên hệ thống y tế công cộng. Với dữ liệu về số lượng các ca nhiễm bệnh vẫn còn thấp, không thể nói liệu biến chủng mới này có khả năng lây truyền cao hơn, gây chết người hay có khả năng lẩn tránh khỏi các kháng thể được tạo ra do vaccine nhanh hơn so vởi chủng gốc Delta.
Bên cạnh đó, việc các nhà khoa học và các chuyên gia y tế công cộng trên khắp thế giới sở hữu dữ liệu gen của biến chủng Delta plus một cách nhanh chóng cũng góp phần giúp thế giới có thể hành động nhanh hơn trong việc ngăn chặn nguồn lây lan.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, vẫn cần phải theo dõi biến chủng này cẩn thận và tăng cường các biện pháp y tế cộng đồng. Đặc biệt, các nghiên cứu sơ bộ ghi nhận một số loại vaccine Covid-19 đang lưu hành giảm hiệu quả trước chủng Delta nhưng vẫn còn khả năng bảo vệ, có điều cần thiết phải tiêm đủ 2 liều.
Trước mắt, nghiên cứu trên 14.000 người của PHE ghi nhận 2 liều Pfizer ngăn được 96% nguy cơ nhập viện nếu nhiễm Delta, còn AstraZeneca ngăn được 92% nguy cơ nhập viện. Nhưng nếu nói riêng về hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh thì Pfizer tốt hơn AstraZeneca, với tỉ lệ lần lượt là 88% và 60% (với chủng Delta). Chính vì vậy, tiêm chủng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, không chỉ để bảo vệ người dân khỏi tử vong và bệnh nặng, mà còn để nâng cao miễn dịch cộng đồng và giảm thiểu lây nhiễm.
Bên cạnh đó, Shahid Jameel - một nhà virus học hàng đầu ở Ấn Độ khuyến nghị, các nhà khoa học trên thế giới cần phối hợp đẩy nhanh việc nghiên cứu đặc tính của biến chủng Delta plus trên các khía cạnh như biểu hiện lâm sàng, các xét nghiệm chẩn đoán hiện tại có phát hiện được các biến chủng một cách nhanh nhất hay không, hoặc liệu các phương pháp điều trị hiện tại có còn thích hợp với các bệnh nhân nhiễm biến chủng mới?
Do đó, các biện pháp hạn chế đi lại vẫn cần tiếp tục được áp dụng trong một vài năm tới khi các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao muốn tránh các biến thể mới đáng lo ngại.
Có thể bạn quan tâm