Thế khó của PHR

HÀ PHƯƠNG 27/02/2022 16:30

Việc thu hẹp sản xuất, kinh doanh chính để chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản khu công nghiệp đã và đang tạo ra nhiều thách thức đối với Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (HoSE: PHR).

>>> Năm 2022, xu hướng giá hàng hóa biến động thế nào?

PHR không chỉ không còn được hưởng lợi nhiều từ giá cao su tăng mạnh, mà còn bị trì hoãn triển khai các dự án KCN do vấn đề pháp lý.

 Doanh thu và LNST những năm gần đây của Cao su Phước Hòa.

Đvt: tỉ VNĐ

Giảm gần 50% lợi nhuận

PHR vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với doanh thu thuần đạt 663 tỷ đồng, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ giảm chi phí vốn cao hơn đến 14,4%, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 184 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, PHR lãi sau thuế đạt hơn 237 tỷ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2020.

50% là mức giảm lợi nhuận sau thuế năm 2021 của PHR so với năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của PHR tăng trưởng 19% lên 1.942 tỷ đồng. Trừ chi phí vốn, công ty lãi gộp 513 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của PHR, doanh thu từ bán thành phẩm đạt 1.690 tỷ đồng; doanh thu từ cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đạt gần 253 tỷ đồng, còn lại là doanh thu xử lý nước thải KCN và doanh thu khác.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi ròng của PHR đạt 578 tỷ đồng, giảm 48,6% so với 2020.

Mất lợi thế từ mảng chính

Nhu cầu phát triển KCN ngày càng lớn, khiến diện tích đất trồng cao su bị thu hẹp. Điều này giúp PHR tận dụng lợi thế quỹ đất lớn có sẵn để chuyển đổi sang lĩnh vực bất động sản KCN.

Được biết, PHR là một trong những công ty sản xuất cao su tự nhiên lớn. Hiện doanh nghiệp này có hơn 15.900 ha quỹ đất tại tỉnh Bình Dương và 7.664 ha trồng cao su tại Campuchia. Tuy nhiên, theo quy hoạch 2021 - 2025, diện tích thu hoạch cao su của PHR tại Việt Nam sẽ giảm xuống chỉ còn 5.000 ha, đồng nghĩa với việc 10.000 ha trồng cao su thiên nhiên sẽ được chuyển đổi công năng, trong đó khoảng 50% được sử dụng phát triển KCN. Do vậy, ngành nghề chính của PHR sẽ không còn là cầu phần chính trong doanh thu của doanh nghiệp này.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi kinh doanh sẽ là thiệt hại lớn đối với PHR trong bối cảnh giá cao su ngày càng có xu hướng tăng cao do nguyên liêu khan hiếm.

Thách thức nhìn từ các quỹ đất

Khi dòng vốn FDI đang chảy mạnh trở lại vào Việt Nam, PHR có cơ sở để “đặt cược” kế hoạch lợi nhuận năm 2022 vào lĩnh vực bất động sản KCN. PHR là công ty hưởng lợi chính từ nhu cầu đất KCN đang tăng nhanh ở tỉnh Bình Dương nhờ có quỹ đất cao su kết nối tốt với mạng lưới đường giao thông hiện tại. Ngoài ra, sự chuyển hướng chiến lược của PHR sang mảng KCN sẽ giúp khai thác giá trị đất lớn đáng kể cho PHR.

Tuy nhiên về pháp lý, việc khai thác các khu đất này đang là dấu hỏi khi chính quyền địa phương trì hoãn trong việc phê duyệt KCN trong tương lai. Do đó, tỷ lệ hấp thụ đất KCN thấp hơn kỳ vọng.

Được biết, KCN VSIP III là động lực thúc đẩy lợi nhuận chính của PHR, sẽ được triển khai trong năm 2022. Tuy nhiên đến nay, KCN VSIP III vẫn đang chờ cơ quan Chính phủ và tỉnh Bình Dương phê duyệt chính thức để chuyển đổi đất và bắt đầu phát triển dự án…

Nếu vấn đề pháp lý đối với các quỹ đất của PHR không được giải quyết, sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động của Công ty này trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • “Dinh dưỡng dự phòng, nâng cao sức khỏe và kỹ năng tư vấn”

    “Dinh dưỡng dự phòng, nâng cao sức khỏe và kỹ năng tư vấn”

    09:23, 21/12/2021

  • Gia Lai: Đấu giá lô gỗ cao su ở Chư Păh kịch tính giá chốt

    Gia Lai: Đấu giá lô gỗ cao su ở Chư Păh kịch tính giá chốt

    03:30, 21/12/2021

  • Bất chấp thách thức COVID-19, ngành cao su về đích sớm

    Bất chấp thách thức COVID-19, ngành cao su về đích sớm

    07:31, 27/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thế khó của PHR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO