Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém vẫn đã và đang là một trong những trọng tâm triển khai của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương xử lý.
>>>TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Chuyển động chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém
Trong khuôn khổ hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi tiếp ông Masahiko Kato, Chủ tịch Ngân hàng Mizuho; và các ông Koichi Zaiki, Tổng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ông Eiji Katayama, Tổng phụ trách Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Mizuho chi nhánh Hà Nội vào ngày 16/12. Tại buổi gặp, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Mizuho tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém của Việt Nam.
Mizuho là một trong 3 định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, bên cạnh 2 "ông lớn" khác là SMBC và MUFG, có 82 chi nhánh tại nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Singapore, Trung Quốc… Năm 2022, doanh thu của Mizuho đạt hơn 15 tỷ USD, tổng tài sản tính đến năm 2022 là hơn 1.700 tỷ USD.
Tại Việt Nam, ngân hàng này có 2 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM. Mizuho trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank thông qua thương vụ mua 15% cổ phần của ngân hàng trị giá khoảng 567,3 triệu USD vào năm 2011, bên cạnh SMBC hiện là cổ đông lớn của VPBank và MUFG là cổ đông ngoại của VietinBank.
Chia sẻ với Thủ tướng, lãnh đạo Ngân hàng Mizuho bày tỏ quan tâm tới việc cam kết trong việc tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới của Vietcombank. Đặc biệt, Mizuho cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Mizuho cũng mong muốn được đồng hành với Vietcombank tham gia tài trợ các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, tham gia phát triển thị trường trái phiếu xanh và thị trường tín chỉ carbon; góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Theo chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan phía Việt Nam ghi nhận các đề xuất của Mizuho và sẽ xử lý nhanh theo thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị Mizuho ủng hộ, tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém của Việt Nam và có chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.
Như vậy, việc Vietcombank tiếp tục có nhà đồng hành - cổ đông ngoại ủng hộ trong kế hoạch tăng vốn mới, một mặt sẽ giúp tăng nguồn lực tổng thể của ngân hàng trong các hoạt động, mặt khác, được kỳ vọng giúp Vietcombank thuận lợi hơn trong kế hoạch tái cơ cấu một tổ chức yếu kém, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Như thông tin trước đó, năm 2015, NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của CBBank với giá 0 đồng và giao cho Vietcombank tham gia quản trị, điều hành. Đến giữa năm 2023, CB cho biết đã có những "quả ngọt" khi bước vào năm thứ 9 tái cơ cấu, chuẩn bị sẵn sàng chuyển giao bắt buộc về Vietcombank.
Đến nay, kế hoạch tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, ngoài Vietcombank với CB, còn có những ngân hàng khác đã công bố và được NHNN tín nhiệm giao nhiệm vụ như MB, VPBank, HDBank... nhưng thực tế vẫn chưa có những công bố chính thức và cụ thể kế tiếp, mặc dù ĐHĐCĐ của các ngân hàng này đều đã thông qua các kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém; cũng như đã có một số ký kết được diễn ra.
Hiện hệ thống có 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (gọi chung là ngân hàng yếu kém), gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB.
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN khẩn trương triển khai, thúc đẩy kế hoạch chuyển giao bắt buộc, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đang diễn ra chậm. Tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội thứ 6 ngày 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ở điều kiện bình thường việc cơ cấu lại các ngân hàng yêu kém đã khó rồi, mà trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động của dịch COVID-19 cũng như các biến động của nền kinh tế trong thời gian qua thì việc thực hiện tái cơ cấu các NH yếu kém càng khó hơn.
"Việc xây dựng đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém khó, phức tạp và chưa từng có tiền lệ trong khi các cán bộ tham gia xây dựng đề án này lại không có nhiều kinh nghiệm.
"Việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện rất khó khăn. Cơ chế chính sách, nguồn lực để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu cần xin ý kiến của các cơ quan liên quan đến có sự thống nhất", bà Nguyễn Thị Hồng cho biết. Đồng thời Thống đốc cũng chia sẻ, cơ quan này sẽ hoàn thiện đề án chi tiết tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
ĐHĐCĐ MB 2023: Tăng vốn điều lệ, tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng
14:35, 25/04/2023
HDBank dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng nào?
05:20, 19/08/2022
Thấy gì từ chuyện các ngân hàng bàn nhận "chuyển giao bắt buộc” tổ chức tín dụng?
05:20, 10/05/2022
ĐHĐCĐ Vietcombank 2022: 6 đột phá chiến lược và nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém
19:00, 29/04/2022