Thị trường bán lẻ ngày càng hấp dẫn doanh nghiệp nội

Nguyễn Hà 03/11/2019 00:00

10 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.059,4 nghìn tỷ đồng.

Hệ thống bán lẻ trong nước đã hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm, hàng hóa từ Cuộc vận động

Hệ thống bán lẻ trong nước đã hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm, hàng hóa từ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Thị trường ổn định

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù giá hàng hóa trong tháng 10 có tăng nhưng tình hình thị trường giữ ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm nên hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng so với tháng trước.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.059,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10-2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 425,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 322,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng 9 và tăng 14,7% so với cùng kỳ; mức doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 49,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% và tăng 9,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% và tăng 9,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 50 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 9,2%.

Trên cả nước có một số địa phương đạt mức tăng khá như Quảng Ninh tăng 19,9%, Bình Dương tăng 17,1% và Thanh Hóa tăng 15,2%. Ngoài ra còn có Hải Phòng tăng 15%, Đà Nẵng tăng 14%, Nghệ An tăng 13,9%, Khánh Hòa tăng 13,4%, Hà Nội tăng 12,5% và TP.HCM tăng 12,1%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước là nhờ việc thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng của người dân.

Cơ hội cho doanh nghiệp nội rất lớn

Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, tại thị trường châu Á, ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao bởi thu nhập bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô phát triển và hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hứa hẹn sẽ mang lại điểm sáng nhất định.

Cùng với đó, hệ thống bán lẻ trong nước đã hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm, hàng hóa từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính vì vậy, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức cao như: Coopmart từ 90 - 93%; Vinmart 96%; Big C 90%...; tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống và các cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp xăng dầu “tấn công” thị trường bán lẻ: Miếng bánh không dễ ăn

    Doanh nghiệp xăng dầu “tấn công” thị trường bán lẻ: Miếng bánh không dễ ăn

    14:53, 07/10/2019

  • Doanh nghiệp nội bứt phá trên thị trường bán lẻ

    Doanh nghiệp nội bứt phá trên thị trường bán lẻ

    17:56, 11/09/2019

  • Người đến kẻ đi: Cuộc cạnh tranh mới chỉ bắt đầu của thị trường bán lẻ

    Người đến kẻ đi: Cuộc cạnh tranh mới chỉ bắt đầu của thị trường bán lẻ

    18:39, 24/07/2019

 Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, nhìn nhận về điểm mạnh và điểm yếu của thị trường bán lẻ Việt Nam, Công ty Nghiên cứu thị trường Savills cho rằng, điểm mạnh của thị trường bán lẻ Việt Nam là quy mô dân số lớn, bên cạnh đó tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thu nhập của người tiêu dùng gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn. Đây là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống, đem đến nhiều hơn một trải nghiệm mua sắm.

Hiện nay, thêm một lợi thế cho các nhà đầu tư là chính quyền các địa phương đang rất chào đón và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ. Cùng với sự rời đi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã nhường miếng bánh thị phần cho doanh nghiệp nội, như: Saigon Coop mua lại chuỗi bán lẻ Auchan; VinCommerce (chủ đầu tư chuỗi Vinmart) mua lại hệ thống Shop & Go…

Tuy vậy, với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này sẽ đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Hiện, Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới. Trong đó, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường bán lẻ ngày càng hấp dẫn doanh nghiệp nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO