Trong loạt báo cáo phân tích triển vọng các doanh nghiệp bất động sản công bố gần đây, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm thị trường bất động sản vẫn duy trì triển vọng tích cực.
Cụ thể, tại Báo cáo phân tích, đánh giá Công ty Cổ phần Vinhomes, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với mức độ nghiêm trọng cao và hoạt động giãn cách tại các đô thị lớn đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ triển khai và bán hàng các dự án bất động sản.
Tuy vậy, tỷ lệ hấp thụ tại các dự án duy trì ở mức cao và mặt bằng giá một số sản phẩm vẫn ghi nhận mức tăng 5-10% ngay trong giai đoạn dịch bệnh. Điều này đến từ các yếu tố gồm thực trạng thiếu nguồn cung dự án mới, đặc biệt tại các đô thị lớn và mặt bằng lãi suất thấp thúc đấy nhu cầu mua bất động sản như một kênh đầu tư tài sản hấp dẫn.
Nhận định về triển vọng thị trường trong quý IV/2021, VCBS cho rằng trong trường hợp tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng trong các tháng cuối năm, thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại. Đặc biệt, các khu vực vùng ven và đô thị vệ tinh xung quanh các trung tâm kinh tế sẽ có sức bật lớn về giá và sở hữu tiềm năng tăng trưởng dồi dào.
Theo đó, các chuyên gia VCBS dẫn chứng một số động lực chính cho thị trường các tháng cuối năm gồm:
Thứ nhất, tình trạng thiếu cung và việc tắc nghẽn, ô nhiễm tại nội thành các đô thị lớn và định hướng giãn dân khỏi khu vực nội thành giúp thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại khu vực vùng ven và các đô thị vệ tinh.
Thứ hai, các dự án hạ tầng giao thông đang được ưu tiên đầu tư hoàn thiện và tỷ lệ sở hữu ô tô đang gia tăng nhanh chóng của người dân giúp thu hẹp khoảng cách giữa vùng ven và nội thành.
Thứ ba, quá trình phát triển công nghiệp và thu hút nguồn vốn FDI thúc đẩy phát triển kinh tế và cơ hội việc làm tại các địa phương thay vì chỉ tập trung tại đô thị lớn.
Thứ tư, mặt bằng giá đất còn thấp tại khu vực vùng ven và các đô thị vệ tinh mang đến nhiều dư địa tăng giá trong khu vực.
Dẫn chứng về triển vọng cụ thể của một số doanh nghiệp trong ngành, chằng hạn với Công ty CP Vinhomes (VHM), các chuyên gia VCBS cho rằng mặc dù chịu tác động nhất định từ dịch Covid-19 nhưng kết quả kinh doanh và tình hình dòng tiền của VHM trong giai đoạn 2021-2022 dự báo sẽ duy trì kết quả tích cực nhờ hoàn tất chuyển nhượng các đại dự án và tiến hành mở bán 3 đô thị vệ tinh mới xung quanh Hà Nội. Trong năm 2021, VCBS dự báo VHM đạt doanh thu 105.930 tỷ đồng, tăng 48,1% so với năm 2020.
Đánh giá về triển vọng của Công ty CP SONADEZI Châu Đức, VCBS nhận định với giá cho thuê cạnh tranh so với các KCN trong khu vực, doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ lợi thế cạnh tranh của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khi cơ sở hạ tầng kết nối ngày một hoàn thiện cũng như việc giá cho thuê KCN và giá bán đất cũng sẽ dần tăng theo.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, trong một báo cáo phân tích mới đây SSI Research - Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định triển vọng tích cực khi Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP điều chỉnh một số quy định cho khu công nghiệp và cụm kinh tế có thể sẽ sớm được thông qua.
NGUY CƠ SONG HÀNH
Bên cạnh những nhận định tích cực về triển vọng của thị trường BĐS, các chuyên gia của VCBS cũng đặt ra một số nguy cơ về các rủi ro đối với các doanh nghiệp bất động sản trong các tháng cuối năm gồm.
Thứ nhất, rủi ro dịch bệnh Covid-19, nếu dịch bệnh bùng phát phức tạp sẽ có thể gây khó khăn cho việc mở bán, ký kết biên bản bàn giao từ đó gây sụt giảm doanh thu, lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Thứ hai, rủi ro nền kinh tế tăng trưởng chậm dẫn tới thu nhập thực dụng của người dân bị sụt giảm, điều này gián tiếp ảnh hưởng tới quyết định mua nhà ở cũng như quyết định đầu tư của các khách hàng mua bất động sản.
Thứ ba, rủi ro về lãi suất tăng mạnh, cụ thể việc thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ (nếu có) sẽ tác động tới kênh tín dụng dành vốn cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, lãi suất huy động tăng mạnh cũng sẽ là nguyên nhân dòng tiền rút khỏi bất động sản và chảy vào kênh tiết kiệm, đây là nguyên tắc bình thông nhau trên thị trường tài chính.
Thứ tư, rủi ro giá đất tiếp tục tăng nóng khiến giá bán của dự án tăng một cách khó kiểm soát, thay đổi phân khúc chỉ vì lý do giá đất tăng.
Thứ năm, rủi ro về pháp lý, cụ thể một số doanh nghiệp có các dự án đang trong thời gian chờ phê duyệt đầu tư dự án cũng như cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp những thay đổi tại các Luật hoặc văn bản dưới Luật ban hành mới có sự thay đổi so với các văn bản cũ thì các dự sẽ có nguy cơ phải rà soát lại về mặt pháp lý.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bất động sản vẫn nhiều chỉ dấu tích cực
15:58, 23/09/2021
Thị trường bất động sản toàn cầu: Số lượng giao dịch tăng trở lại
16:00, 29/09/2021
5 xu hướng thị trường bất động sản hậu Covid-19
17:00, 07/09/2021
Đừng quá lạc quan về kịch bản của thị trường bất động sản sau dịch
16:02, 07/09/2021