Nhờ sự điều hành của Chính phủ, điểm nghẽn thể chế phần lớn được tháo gỡ khi các luật ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai vẫn còn không ít điểm nghẽn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ những trăn trở của mình tại Ngày hội Bất động sản Hải Phòng 2024 vừa diễn ra mới đây.
Theo ông Đính, một trong những nút thắt quan trọng nhất đó là vấn đề định giá tiền sử dụng đất. Theo Nghị Quyết 18, giá đất để áp dụng phải sát với thị trường, tuy nhiên hiện nay một số địa phương khi ban hành giá đất lại tạo ra những băn khoăn trăn trở đối với nhà đầu tư bởi vì giá quá cao.
Ông Đính cho rằng, việc giá đất cao một phần cũng đến từ thị trường, ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội giá đất đã lấy rất sát với giá thị trường. Tuy nhiên, vì giá của thị trường Hà Nội hiện nay đang có sự bất thường, rất ảo nên nếu lấy cái giá ảo đó áp dụng để làm cơ sở tính giá thì vô hình dung chúng ta đang pháp lý hóa cái ảo, dẫn đến giá đầu vào tăng cao, khó thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Người dân cũng sẽ khó mua được nhà ở và gặp nhiều rủi ro. Các nhà sản xuất phải đi thuê mặt bằng cũng bị đẩy giá lên cao làm tăng giá thành sản xuất, khó cạnh tranh để bán hàng trong bối cảnh nhiều nước nhập khẩu vào Việt Nam với giá rất rẻ.
"Nút thắt này rất cần phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Thị trường đất đai phải minh bạch, có đầy đủ các dữ liệu thông tin và phải có sự kiểm soát tốt các giao dịch hàng ngày. Trong Luật Bất động sản cũng đã nêu cần phải có chỉ số giá vì nó là thước đo, là công cụ để tính toán. Nhà nước và các địa phương cũng cần phải có sự điều tiết để có công cụ đo lường, đưa ra được giá thị trường sát với tình hình thực chất chứ không phải ảo như hiện nay tại một số địa phương" - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
Nút thắt thứ hai, theo ông Đính chính là công tác giải phóng mặt bằng. Một số địa phương chỉ tập trung hỗ trợ cho các dự án lớn để giải phóng mặt bằng. Các dự án nhỏ, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đang không hoặc ít được hỗ trợ. Riêng Hải Phòng, ông Đính ghi nhận đã có một số điểm sáng trong việc giải phóng mặt bằng mà các địa phương khác cần phải học tập.
Nút thắt thứ ba đó là tâm lý chờ đợi của nhiều chính quyền địa phương trong việc triển khai Luật Bất động sản. Hiện nay đã có những địa phương đã triển khai thực hiện thể chế mới, nhưng còn nhiều địa phương đang có tâm lý trông đợi, chờ các địa phương khác làm thế nào mới dám làm.
Nút thắt thứ tư, một loạt các dự án bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trong quy định cũ, chủ đầu tư dự án vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới cho M&A (mua bán sáp nhập). Quy định như vậy vẫn không khác nào đánh đố chủ đầu tư, đặc biệt với nhiều chủ đầu tư đã đuối về tài chính. Cần phải có giải pháp cụ thể hóa, nhà nước cũng phải vào cuộc, kết hợp nhiều “nhà” khác như ngân hàng, các quỹ để triển khai những giải pháp đồng bộ, hỗ trợ các chủ đầu tư để các dự án được sớm giải phóng nguồn lực sẽ tránh lãng phí, thất thoát.
Nút thắt thứ năm là việc đấu giá đất vẫn còn nhiều kẽ hở và đang bị lợi dụng, bị thao túng. Đơn cử một số vụ đấu giá đất tại Hà Nội vừa qua.
Nút thắt thứ sáu là vấn đề nhà ở xã hội. Riêng Hải Phòng, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận đây là một điểm sáng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhưng trên diện rộng, nhiều địa phương vẫn còn chưa vào cuộc.
Nút thắt thứ bẩy chính là nguồn vốn. Mặc dù hệ thống ngân hàng đã điều chỉnh rất nhiều về lãi suất tuy nhiên vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, đặc biệt các dự án nhỏ và vừa rất khó tiếp cận với các dòng vốn.
Nút thắt thứ tám theo ông Đính, đó quy định về phòng cháy chữa cháy. Hiện nay tốc độ ban hành quy định về phòng cháy chữa cháy rất nhanh, có nhiều đột biến , dẫn đến việc các doanh nghiệp không theo kịp các quy định, gây ách tắc trong việc phát triển các dự án. Phòng cháy chữa cháy cần phải xem xét và có lộ trình, hỗ trợ để các doanh nghiệp bất động sản có thể theo kịp, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.