Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE: HSC), top 5 thị phần môi giới tại HOSE trong quý IV/2022 vừa công bố kết quả kinh doanh quý và cả năm 2022.
>>4 yếu tố sẽ nâng đỡ thị trường chứng khoán năm 2023
Cụ thể, trong quý 4/2022, HSC đạt doanh thu hơn 584 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 159 tỷ đồng giảm lần lượt 39% và 43% so với cùng kỳ quý 4.2021.
Lũy kế cả năm 2022, HSC ghi nhận hơn 2.854 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 1.068 tỷ đồng, hoàn thành 71% kế hoạch năm 2022.
Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) năm 2022 đạt 1,865 đồng/cổ phiếu. Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROAE) 11.2%.
Dù thị trường chứng khoán đã mất đỉnh và suy giảm so với năm 2021, song với Công ty chứng khoán này, 3 mảng kinh doanh: môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh vẫn đóng góp 97% tổng doanh thu thuần năm 2022.
Trong đó, doanh thu phí môi giới chiếm 31% tổng doanh thu của HSC, đạt 882 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021.
>>Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bật tăng từ mức nền thấp
Doanh thu từ các hoạt động cho vay ký quỹ đạt hơn 1.273 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đóng góp 44% vào tổng doanh thu.
Hoạt động đầu tư tự doanh đạt 623 tỷ đồng, giảm 14% so với năm ngoái, đóng góp 22% vào tổng doanh thu.
Mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp ghi nhận 54 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mảng trụ cột, cùng với cho vay ký quỹ, trong các mảng nghiệp vụ chính của HSC ghi nhận tăng trưởng trong năm nay.
Tương tự như HSC, một loạt CTCK đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm, với không nhiều chỉ tiêu vượt mong đợt.
Các CTCK nhìn nhận 2022 là một năm nhiều biến động đối với thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam. Kết thúc năm 2022, các chỉ số chứng khoán, thanh khoản thị trường, giá trị vốn hóa niêm yết… đều giảm mạnh so với năm 2021.
VN-Index khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2022 với 1.007,09 điểm giảm 32,78% so với cuối năm 2021 – trở thành chỉ số giảm mạnh Top 5 toàn cầu. Khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 653,96 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 17.004 tỷ đồng; giảm lần lượt 11,30% về khối lượng và 21,24% về giá trị so với bình quân phiên năm 2021.
Giao dịch khối ngoại đạt gần 670.000 tỷ đồng, chiếm hơn 7,9% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường, giá trị mua ròng đạt hơn 23.604 tỷ đồng.
Xét về quy mô thị trường trên HOSE, tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 141,29 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,01 triệu tỷ đồng, giảm gần 4,00% so với tháng trước.
Thị trường chứng khoán bước sang những ngày đầu năm 2023 trong các phiên giao dịch khởi sắc hơn. Một phần, được cho có tác động từ kỳ vọng lạm phát hạ, đặc biệt tại Mỹ giúp thị trường chứng khoán toàn cầu tích cực hơn; một phần, các chỉ tiêu vĩ mô trong nước 2022 đạt kết quả cao, hứa hẹn tạo đà cho 2023, cùng với kỳ vọng các nút thắt trên thị trường tài chính và trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần được tháo cởi. Nhà đầu tư hiện đang đặt kỳ vọng vào bối cảnh vĩ mô tích cực, kỳ vọng bệ đỡ đầu tư và bên cạnh đó, một chính sách tiền tệ phù hợp hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế với định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, cũng được xem là yếu tố hỗ trợ cho niềm tin thị trường.
Kết thúc phiên sáng của phiên giao dịch ngày 19/1/2023, phiên cuối trước kỳ nghỉ Lễ Tết Nguyên đán, tất cả các chỉ số của thị trường chứng khoán Việt nam đều đang tăng điểm. Đáng chú ý, VN-Index đã được kéo lên trên mốc 1.100,08 điểm, tăng 0,16%. VN30-Index cũng có mức tăng gần tương đương +0,17%, lên 1.117,62 điểm, với hàng loạt mã trong rổ xanh rực.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc mở cửa, kỳ vọng dẫn đầu hiệu suất của chứng khoán toàn cầu
04:55, 18/01/2023
3 cấp giám sát thị trường chứng khoán
03:00, 17/01/2023
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bật tăng từ mức nền thấp
05:00, 16/01/2023
4 yếu tố sẽ nâng đỡ thị trường chứng khoán năm 2023
04:50, 15/01/2023