Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bật tăng từ mức nền thấp

DIỄM NGỌC 16/01/2023 05:00

Theo chuyên gia của SSI Research, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đi trước tất cả các chuyển động của vĩ mô và có tiềm năng tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2023.

>>KINH TẾ 2023: Chuyên gia đề xuất giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

Biến số vĩ mô quan trọng

Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, về những biến số quốc tế ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2023, phải nhìn nhận lại từ rủi ro lớn nhất trên thị trường quốc tế thời gian vừa qua là lạm phát, tuy nhiên chúng ta đã trải qua những thời điểm căng thẳng nhất của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Lần tăng lãi suất cuối cùng của FED có thể sẽ diễn ra trong quý 1/2023.

thúc đẩy Việt Nam có tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới

Năm 2023 có nhiếu yếu tố thuận lợi thúc đẩy Việt Nam có tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới

Khi rủi ro lãi suất hạ nhiệt thì chúng ta lại đón nhận rủi ro suy thoái tăng dần, con số bán lẻ của một số ngành hàng tiêu dùng ở Mỹ như hàng điện tử, nội thất, mô tô xe máy đã giảm tương đối mạnh thời gian qua. Lý do mà người tiêu dùng giảm chi tiêu nổi bật nhất là tác động từ việc tăng lãi suất sẽ ngấm dần và ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Bởi vì rất nhiều khoản vay tiêu dùng của các hộ gia đình cố định lãi suất, nhưng sẽ được điều chỉnh từ từ. Vì vậy, sang năm 2023 tác động còn rõ ràng hơn khi thị trường việc làm ngày càng khó khăn.

“Đối với Việt Nam, rủi ro suy thoái của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ có tác động trực tiếp đến các ngành xuất khẩu. Trong tháng 11/2022, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 8,9% so với cùng kỳ và có thể có những tác động dây chuyền đến một số ngành khác, ảnh hưởng đến tiêu dùng chung của Việt Nam. Nếu nhìn con số tổng chi tiêu bán lẻ của cả nước trong tháng 11/2022 so với giai đoạn trước dịch Covid-19 thì chúng ta mới chỉ đạt 82%.

Tuy nhiên trong năm 2023, chúng ta sẽ đón nhận yếu tố Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại, các quốc gia có xuất khẩu, du lịch liên quan tới Trung Quốc sẽ được hưởng lợi. Đó cũng là yếu tố có thể giúp thúc đẩy Việt Nam có tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới”, bà Hoàng Việt Phương nhìn nhận.

>>4 yếu tố sẽ nâng đỡ thị trường chứng khoán năm 2023

Tác động đến thị trường chứng khoán

Riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện nay nhiều nhà đầu tư cũng băn khoăn về góc nhìn của nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường năm 2023, trong bối cảnh có nhiều biến động.

Thị trường chứng khoán Việt Nam dựa vào những yếu tố tăng trưởng tốt vẫn sẽ được các nhà đầu tư đánh giá cao

Thị trường chứng khoán Việt Nam dựa vào những yếu tố tăng trưởng tốt vẫn sẽ được các nhà đầu tư đánh giá cao

Về vấn đề này, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài trước nay vẫn luôn đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Bởi những lợi thế cạnh tranh đặc trưng của Việt Nam như dân số đông, tỷ lệ tham gia lao động nữ cao, dư địa đô thị hóa hoặc tỷ lệ vay nợ hộ gia đình thấp hơn so với các nước khác và  cả khả năng thu hút FDI tốt. Cùng với đó, trong giai đoạn khó khăn của năm 2022, thì một số yếu tố là nút thắt của Việt Nam như hạ tầng, năng suất lao động,... đều được nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận.

Nhưng theo bà Hoài Phương, thị trường chứng khoán Việt Nam dựa vào những yếu tố tăng trưởng tốt vẫn sẽ được các nhà đầu tư đánh giá cao. Ví dụ nhà đầu tư Đài Loan đánh giá quy mô thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những năm tới bởi khi nhìn tỷ lệ giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam so với GDP ở hiện tại khoảng 60%, trong khi ở Đài Loan là trên 250%, còn ở một số nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc,... con số này cũng trên 120%.

Vì vậy, xu hướng thị trường sẽ phải tăng trưởng, phát triển với sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân ngày một tăng lên về cả số lượng và chất lượng, sẽ đóng góp cho thị phát triển bền vững hơn.

Mặt khác, yếu tố biến động khó khăn thời gian vừa qua cũng sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tăng giải ngân ở vùng giá hấp dẫn gần như có một không hai trong lịch sử Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm của mình, Giám đốc SSI Research phân tích, các yếu tố nội tại của thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây xuất phát từ những bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Hai thị trường này có mối liên hệ khá chặt chẽ với hệ thống ngân hàng nên có tác động lớn đến nền kinh tế.

Do đó, chúng ta cần xác định vấn đề của thị trường nằm ở đâu? Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong ba năm vừa qua khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp phần lớn đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Năm 2021, có 44% lượng phát hành đến từ doanh nghiệp bất động sản, cao hơn cả khối ngân hàng phát hành trái phiếu.

Hiện tại thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao, mức lãi suất cho vay mua nhà khoảng 13% sẽ không kích thích được nhu cầu của người mua nhà.  Còn năm 2023, quan điểm của SSI Research là lãi suất sẽ có khả năng hạ nhiệt, nhưng chúng ta cần phải chờ xem mức lãi suất đó hạ có đủ để hấp dẫn kích thích nhu cầu trên thị trường bất động sản hay không và việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tạo ra áp lực vẫn còn, thì cũng cần chờ Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua để giúp giảm nhẹ những áp lực này.

“Theo tôi, tất cả những yếu tố nội tại này trong năm 2023 đối với thị trường tài chính, tình hình sẽ “dễ thở” hơn năm 2022, chủ yếu những khó khăn này đã được phản ánh khá nhiều vào thị trường, song thị trường có thể vẫn gập ghềnh do những vấn đề đã nêu.

Chúng tôi cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn có tiềm năng tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2023. Thông thường thị trường chứng khoán sẽ đi trước tất cả các chuyển động của vĩ mô, bằng chứng rõ nhất là trong tháng 10-11/2022, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam bao gồm cả các quỹ ETF, các quỹ chủ động đạt ròng khoảng 490 triệu USD, so với trước đó đã có một thời gian rút ròng khiến việc định giá bị sụt giảm mạnh. Đây là điểm rất tích cực và có thể tiếp tục theo dõi yếu tố này, mặc dù dòng tiền có thể không đều đều liên tục, nhưng sẽ có những thời điểm đem lại cú hích cho thị trường Việt Nam”, bà Việt Phương nói.

>>Cần thiết đặt mục tiêu giảm lãi suất trong năm 2023

Cần nhìn xa trông rộng

Không chỉ có các vấn đề vĩ mô được chú ý, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến các yếu tố cơ bản là hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế những biến số ảnh hưởng đến tăng trưởng của doanh nghiệp đã có sự thay đổi.

Nhà đầu tư cần lưu ý, mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng đi cùng chiều

Nhà đầu tư cần lưu ý, mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng đi cùng chiều

Đại diện quỹ Vinacapital lý giải, về mặt vĩ mô, kinh tế 2023 sẽ vẫn có những vấn đề khó khăn như thất nghiệp, xuất khẩu và tốc độ bán lẻ sẽ có dấu hiệu chậm lại so với năm 2022. Đồng thời, một rủi ro khác là áp lực về trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2023 sẽ phần nào ảnh hưởng đến bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của bất động sản và khối ngân hàng. Với những khó khăn này, ở thị trường chứng khoán cũng có nhiều quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán đã hạ triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết từ 0 - 15% và đã phần nào phản ánh khó khăn của nền kinh tế này rồi. Vì thế đây không còn là tâm điểm cho thị trường chứng khoán năm 2023.

Nhà đầu tư cần nhìn xa hơn vào các yếu tố hỗ trợ như: Thứ nhất, là giải ngân đầu tư công, trong khi năm 2022 giải ngân không như kỳ vọng và hy vọng năm 2023 giải ngân sẽ tăng lên, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Điểm sáng mới đó là giá nguyên vật liệu đã giảm so với mức đỉnh trước đó, tạo ra một số yếu tố thuận lợi cho đầu tư công.

Thứ hai, Trung Quốc mở cửa trong năm 2023 cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của quốc gia này. Ảnh hưởng đầu tiên sẽ là du lịch của Việt Nam và gián tiếp là đến tiêu dùng bán lẻ giúp GDP có mức tăng trưởng tốt. Đồng thời giúp cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn ở một số khu vực có thể khơi thông.

Đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ khởi sắc gián tiếp ở chỗ giá xuất khẩu trên thị trường thế giới sẽ được hỗ trợ, khi nguồn cung của thế giới được hấp thụ bởi nhu cầu tăng lên ở Trung Quốc.

Đây là hai yếu tố có thể nhìn thấy rõ ràng về vĩ mô, còn về mặt vi mô, ở mức độ doanh nghiệp, khi tỷ giá và lãi suất có xu hướng hạ nhiệt sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn sản xuất kinh doanh, giảm bớt áp lực.

Nhìn cả năm 2023, nhất là dần về cuối năm, hoạt động xuất khẩu qua Mỹ, EU có thể hồi phục mạnh, vì năm 2022 sụt giảm thì khi hồi phục lại sẽ bật rất nhanh. Điểm hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp như chi phí vận chuyển, cước tàu, giá xăng dầu, chi phí hàng hóa, hoặc những ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng không còn là trọng yếu sẽ là yếu tố tích cực.

“Một vấn đề nhà đầu tư cần lưu ý đó là, mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng đi cùng chiều. Thị trường chứng khoán còn bị ảnh hưởng bởi định giá, dòng tiền, những rủi ro về thất nghiệp, đứt đơn hàng, chi phí kinh doanh cao, sức tiêu dùng yếu đi hiện giờ đang hiện hữu, thì thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội phục hồi từ nền rất thấp, trước khi kinh tế thực sự phục hồi trong năm nay”, bà Nguyễn Hoài Phương khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • 4 yếu tố sẽ nâng đỡ thị trường chứng khoán năm 2023

    04:50, 15/01/2023

  • Yếu tố nào khiến thị trường chứng khoán cần dự phòng "kịch bản tệ"?

    05:20, 14/01/2023

  • KINH TẾ 2023: Chuyên gia đề xuất giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

    12:13, 17/12/2022

  • SSI Research: Thị trường chứng khoán đang vào vùng nhạy cảm

    12:53, 06/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bật tăng từ mức nền thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO