Tập đoàn thương mại điện tử JD của Trung Quốc vừa thông báo sẽ đầu tư một khoản tiền vào trang thương mại điện tử Tiki của Việt Nam.
JD cho biết đã ký thỏa thuận đồng ý cùng với các nhà đầu tư khác rót tiền vào Tiki và sẽ trở thành một trong các nhà đầu tư lớn nhất tại Tiki sau khi thương vụ hoàn tất. JD không tiết lộ khoản tiền đầu tư vào Tiki, nhưng trước đó Tiki đã cho biết huy động được hơn 50 triệu USD để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Cuộc chiến của các doanh nghiệp ngoại
“Sự chuyên nghiệp của JD trong việc thúc đẩy các phương tiện truyền thông xã hội trong lĩnh vực thương mại điện tử, cộng với mối quan hệ hợp tác của Tiki với VNG (Cty Cổ phần VNG) trong mạng xã hội và thanh toán di động là một sự phù hợp giúp JD hướng tới cung cấp các dịch vụ khác biệt cho các nhà cung cấp và người tiêu dùng Việt Nam”, ông Winston Cheng, Chủ tịch phụ trách thị trường nước ngoài của JD, tỏ rõ tham vọng mở rộng sự hiện diện trên thị trường Việt Nam của công ty Trung Quốc.Quyết định đầu tư của JD vào Tiki còn nói lên một điều rằng, Việt Nam đang là một thị trường rất hấp dẫn với các công ty thương mại điện tử Trung Quốc. Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới của tỷ phú Jack Ma, đã hiện diện trên thị trường Việt Nam từ tháng 4/2016, thông qua thương vụ thâu tóm toàn bộ Lazada trên thị trường Đông Nam Á.
Một công ty thương mại điện tử nữa mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam nhưng cũng đang dần thiết lập được chỗ đứng khá vững chắc là Shopee. Dù là công ty có trụ sở chính tại Singapore, nhưng cũng giống như Lazada, Shopee có một cổ đông lớn nhất đang nắm xấp xỉ 40% cổ phần là Tencent, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc có giá trị vốn hóa trên thị trường hơn 500 tỷ USD.
Như vậy, thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện của cả ba tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc. Cả ba công ty này đều tiến vào thị trường Việt Nam thông qua con đường mua bán và sáp nhập, cách nhanh nhất để có thể thiết lập chỗ đứng trên thị trường mà không bị chậm chân so với các đối thủ đã có mặt trước. Alibaba thậm chí còn không giấu tham vọng sẽ mở rộng hơn tầm ảnh hưởng trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam quan chuyến công tác đầu tiên của người đứng đầu, tỷ phú Jack Ma, tới Hà Nội tháng 11 vừa qua. Trong chuyến đi tới Hà Nội, ông Jack Ma đã kể lại câu chuyện tạo dựng một thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc, với ngụ ý Alibaba sẽ lặp lại câu chuyện đó tại Việt Nam.
Không chịu lép vế, Shopee, một công ty mới gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2016, cũng tỏ rõ ý định mở rộng tầm ảnh hưởng ở thị trường này thông qua các chiến dịch quảng bá rầm rộ. Sự chờ đợi sẽ hướng tới Tiki sau khi nhận được khoản đầu tư của JD. Điều chắc chắc là JD sẽ không chỉ đầu tư tài chính vài Tiki mà sẽ sử dụng cả những kinh nghiệm có được trên thị trường Trung Quốc để giúp Tiki phát triển hơn nữa.
Theo thống kê mới nhất của Google, Lazada, Shopee và Tiki là ba trong bốn trang thương mại điện tử được tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian qua tại Việt Nam. Rất có thể thời gian tới, cuộc đua thứ hạng trên thị trường Việt Nam sẽ chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp Trung Quốc.
Sân chơi hạn hẹp cho kẻ yếu
Xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Báo cáo gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam tăng 69% trong năm qua. Tốc độc tăng trưởng cao như vậy có thể giải thích vì sao các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc đang dồn vào Việt Nam. Một đại diện của Shopee Việt Nam từng dự báo quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2016 vào khoảng 1,7 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 7,5 tỷ USD. Hãng nghiên cứu và tư vấn Frost and Sullivan cũng từng dự báo quy mô thị trường Việt Nam sẽ tăng từ 1,7 tỷ USD năm 2016 lên 3,7 tỷ USD vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng 45%/năm.
Hiện nay, lĩnh vực này chiếm 0,5% trong tổng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 4 thành phố lớn của Việt Nam. Tỷ lệ người mua sắm thông qua thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8% tổng dân số thành thị tại bốn thành phố chính chỉ trong vòng một năm qua, và giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống.
Thực tế, thị trường thương mại điện tử không chỉ có Lazada, Shopee hay Tiki, mà còn có Sendo của FPT, Adayroi của Vingroup và Vuivui của Thế giới Di động. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các công ty đến từ Hàn Quốc như Lotte hay Nhật Bản như Aeon. Tuy nhiên, ông Lê Thiết Bảo, một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, cho rằng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn sẽ khó cạnh tranh được trong lĩnh vực này. Và dường như thương mại điện tử sẽ chỉ còn là sân chơi của các công ty nước ngoài, với ba đại diện có vốn đầu tư từ Trung Quốc là Lazada, Shopee và Tiki.