Việc cổ phiếu của Cồn rượu Hà Nội rớt giá, công ty thua lỗ được dùng để dẫn chứng cho tình trạng càng chậm thoái vốn càng thất thoát.
Tại Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 8/8, các chuyên gia một lần nữa "mổ xẻ" những nguyên nhân, tổn thất khi chậm thoái vốn nhà nước.
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng, trong nhiều trường hợp việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Ông ví dụ, Công ty Cồn Rượu Hà Nội (Halico), năm 2011, đã có đại gia ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng một cổ phiếu. Một năm trước cổ phiếu của công ty này lên sàn (Mã CK: HRN) với giá 31.000 đồng nhưng đến giờ chỉ còn 12.000 đồng mỗi cổ phiếu và hoàn toàn không có giao dịch.
Doanh nghiệp cũng lỗ liên tục từ 2015 đến nay. Công ty mẹ của Halico là Habeco cũng xuống dốc, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.100 tỷ (năm 2014) xuống còn 310 tỷ theo số kế hoạch năm 2019; thị phần giảm từ 21% xuống còn 16%.
"Những trường hợp thế này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn", ông Long nói.
Về việc cổ phần hóa bị chậm, ông Vũ An Khang, Tổng giám đốc Công ty Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) nêu thực trạng nhiều tập đoàn, tổng công ty đang xin giãn tiến độ. Trong đó, hầu hết nguyên nhân là bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.
VVFC kiến nghị cơ quan quản lý cần có những quy định chi tiết để xác định đơn giá thuê sát với thực tế, đảm bảo những vị trí đất thuận lợi, khả năng sinh lời và hệ số cao phải có giá thuê đất cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
12:53, 08/08/2019
15:00, 06/08/2019
00:00, 31/07/2019
06:26, 27/07/2019
Ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất doanh nghiệp mà SCIC cổ phần hóa.
Về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, theo chuyên gia Ngô Trí Long trên thực tế cũng đã để lại những bài học đắt giá, như trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) - một thương hiệu điện ảnh có tuổi đời gần 60 năm. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso) không hề có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực sản xuất phim.
"Tôi tin rằng, không ít những nhà đầu tư chiến lược Việt khác tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp", ông Long nêu vấn đề.