Tỉnh Thái Bình đang trong thời điểm “vàng” để thu hút đầu tư, phát triển KT-XH bền vững với những cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, môi trường đầu tư cạnh tranh.
>>> Thái Bình: Tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn ông Lương Văn Thuận, Giám đốc công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thuận Cường.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư của tỉnh Thái Bình cho doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hiện nay?
Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hệ thống hạ tầng xã hội ngày càng hoàn thiện, giao thông đồng bộ, kết nối với nhiều tỉnh/thành khác mở ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển.
Sự ra đời của Khu Kinh tế Thái Bình và các KCN, CCN khác đã tạo nên điểm nhấn cho tỉnh, đưa Thái Bình vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Cùng với đó, hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình luôn đoàn kết, đồng lòng, lãnh đạo tỉnh là những người trẻ, đầy nhiệt huyết và có tư duy điều hành kinh tế đổi mới, quyết tâm đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Bằng chứng là, những cuộc xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của lãnh đạo tỉnh thường xuyên được tổ chức; những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp được giải đáp, tháo gỡ kịp thời thông qua các buổi đối thoại trực tiếp và trực tuyến của lãnh đạo tỉnh; TTHC trong tỉnh được cắt giảm, không gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư,…
Bên cạnh đó, thị trường lao động tại Thái Bình đang ngày càng phát triển đi kèm theo tốc độ phát triển của nền kinh tế đã thu hút được một làn sóng dịch chuyển nguồn lao động có chất lượng (là những người con Thái Bình) quay về đóng góp cho quê hương. Chất lượng lao động trong những năm qua cũng đã từng bước được nâng lên; lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Thái Bình đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong SXKD mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài...
Có thể khẳng định, Thái Bình đang trong thời điểm “vàng” với các yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” để “cất cánh” sánh ngang với các địa phương phát triển khác trong cả nước.
- Có khó khăn hay vướng mắc gì cho sự phát triển của doanh nghiệp không, thưa ông?
Thuận lợi là như vậy, nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn tồn tại. Đầu tiên phải nói đến là nguồn thu ngân sách của tỉnh còn thấp, chưa bảo đảm để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Một số nhà đầu tư tiềm năng ắt hẳn còn quan ngại trong việc triển khai đầu tư, do các yếu tố ảnh hưởng như: hạ tầng giao thông, đào tạo nghề cho lao động đặc biệt là lao động chất lượng cao. Giá cho thuê mặt bằng tại các cụm công nghiệp còn khá rẻ, thấp hơn so với mặt bằng chung của các tỉnh cùng khu vực (Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh), do đó gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp. Thêm vào đó, công tác cải cách hành chính và phối hợp thực hiện nhiệm vụ ở một số sở, ngành, địa phương còn chậm, kéo dài thời gian giải quyết TTHC gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và chi phí cho doanh nghiệp.
Điều đáng nói, Thái Bình hiện có 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài hơn 260km, 8 tuyến sông địa phương với tổng chiều dài gần 137km và đường bờ biển trải dài 52km nhưng chưa khai thác tối đa các điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý “trời ban” này cho ngành dịch vụ logistics. Tỉnh Thái Bình đang thực sự thiếu những bến thủy nội địa mang quy mô, tầm cỡ lớn, mặc dù ngành dịch vụ này đang có xu hướng phát triển khá nhanh trong nước và thế giới, giúp nâng cao hiệu suất hoạt động và giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp.
- Ở góc độ doanh nghiệp, ông có đề xuất kiến nghị gì không, thưa ông?
Như đã nói, tỉnh Thái Bình có hệ thống chính trị đoàn kết, năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết, nên đây sẽ là yếu tố then chốt giúp Thái Bình “hóa giải” những tồn tại, hạn chế này. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư mong muốn lãnh đạo tỉnh cần sâu sát hơn nữa, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp nhiều hơn nữa để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, giảm rủi ro và tăng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TTHC về đầu tư cần rút ngắn tối đa, đặc biệt trong đầu tư về BĐS, công nghiệp, để doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ, đầu tư có hiệu quả. Trong thực thi công vụ tránh chồng chéo giữa các cơ quan QLNN ở Trung ương và địa phương, giữa các sở, ban, ngành với nhau, tạo nên một khối thống nhất, hoàn chỉnh để quản lý hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách tuyển dụng nhân tài vào phục vụ trong cơ quan Nhà nước để phát huy tối đa những thế mạnh của người giỏi, hoàn thiện bộ máy Nhà nước có hiệu lực, hiệu quả.
Đối với những vướng mắc trong việc phân bổ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, tỉnh cần có chính sách ưu tiên cho đất sản xuất công nghiệp, vì có mặt bằng công nghiệp sẽ thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo kế sinh nhai cho người dân vùng công nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn Ông!
Có thể bạn quan tâm
Chi cục Hải quan Thái Bình: Đơn giản hóa thủ tục - Chuyển đổi số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
13:47, 03/12/2023
Huyện Thái Thụy (Thái Bình) địa chỉ đỏ thu hút vốn đầu tư FDI
18:27, 03/12/2023
Cục thuế tỉnh Thái Bình: Quyết liệt các giải pháp để tăng thu ngân sách
12:50, 03/12/2023
Tỉnh Thái Bình thực hiện tốt hỗ trợ, xúc tiến thu hút đầu tư
11:01, 03/12/2023