Chúng tôi mượn ý Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm nhan đề cho bài viết.
Ông nói: “Cách làm việc không hết trách nhiệm, vô cảm sẽ khiến doanh nghiệp bị “bóp chết” bởi gánh nặng chi phí”.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tại thời điểm 25/1/2019, các container phế liệu đang tồn đọng tại cảng trên toàn quốc là 24.184 container, riêng tại cảng biển Hải Phòng là 6.660 container.
Doanh nghiệp bị bỏ rơi
Nhận được đơn kêu cứu của các doanh nghiệp, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc khẩn cấp tại cảng biển Hải Phòng. Bộ trưởng nêu rõ, có những doanh nghiệp nhập hàng từ tháng 6 năm ngoái, hàng đáp ứng tiêu chuẩn (cụ thể là doanh nghiệp Hàn Quốc đã gửi đơn khiếu nại) nhưng chưa được thông quan. Với chi phí lưu kho bãi 40-50 USD/ngày, đến nay doanh nghiệp đã thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng. Bán cả lô hàng đi cũng không đủ trả phí lưu kho bãi.
Đi tìm thêm minh chứng cho nhận định của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp liên hệ với ông Hoàng Đức Nhượng – Giám đốc Công ty Cổ phần Giang Nam Cát. Ông Nhượng cho biết, công ty ông có hàng chục container phế liệu nhựa tồn đọng tại cảng Hải Phòng mà không thể thông quan do chính sách thắt chặt việc nhập khẩu phế liệu gần đây. Hiện thiếu nguyên liệu, 2 nhà máy của Giang Nam Cát không thể hoạt động, hàng trăm công nhân không có việc làm. Hàng loạt chi phí bảo dưỡng máy móc, phạt hợp đồng… Thiệt hại là không kể xiết!
Có thể bạn quan tâm
15:40, 13/02/2019
17:57, 31/01/2019
14:15, 30/01/2019
Vô cảm
Ở đây, rõ ràng là các cơ quan chức năng đã chuyển từ hữu khuynh sang quá tả khuynh trong việc xử lý tình trạng rác thải công nghiệp ồ ạt nhập cảng vào Việt Nam, mà không phân biệt phế thải với phế liệu được nhập khẩu hợp pháp. Trên nữa đó là sự thờ ơ, vô cảm với số phận các doanh nghiệp của nhiều cán bộ.
Để tháo gỡ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng hướng xử lý. Cụ thể, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan làm thủ tục với các lô hàng phế liệu theo hướng, doanh nghiệp mở tờ khai ở thời điểm nào thì áp dụng theo chính sách ở thời điểm đó.
Các lô hàng về cảng bất kỳ thời điểm nào, nếu đáp ứng quy chuẩn sẽ được thông quan. Đồng thời, thống nhất không cần giấy xác nhận của Sở TN&MT mà chỉ cần giám định chất lượng của đơn vị độc lập do Bộ chỉ định. Trong khi Bộ Tài nguyên Môi trường và Tổng cục Hải quan đổ lỗi cho nhau về sự ách tắc này, các doanh nghiệp rất cảm kích trước cách làm việc của đại diện Chính phủ.