Một số vấn đề trong Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 5/9 tới đang nhận được những phản ánh trái chiều trong dư luận.
Từ năm học 2021-2022 sẽ không còn môn chính - phụ, không còn xếp hạng giỏi, khá, trung bình, yếu, kém... Ảnh: Quốc Tuấn
Theo Thông tư 22, từ năm học 2021-2022, sẽ không còn môn chính - phụ, sẽ không còn xếp hạng giỏi, khá, trung bình, yếu, kém, không còn lạm phát bằng khen…
Khách quan nhìn nhận, Thông tư này hoàn toàn phù hợp với chương trình phổ thông 2018. Một số người đọc Thông tư thấy dường như môn toán, văn, ngoại ngữ không còn quan trọng như xưa là không hiểu về cấu trúc của chương trình. Mọi người kiểm tra lại dung lượng toán, văn, số tiết trên 1 tuần là sẽ thấy được điều đó.
Thêm một trong những điểm hợp lý của Thông tư 22 là trong lúc cả xã hội đang bức xúc về vấn đề đạo đức xuống cấp, vậy thì lúc này môn Giáo dục công dân là quan trọng, chứ không phải là môn Toán. Nếu còn tâm lý môn chính, môn phụ thì không thể có sự phát triển toàn diện ở học sinh.
Hơn nữa, đã gọi là kiến thức phổ thông thì phải được gọi đúng nghĩa là phổ thông, phải được coi trọng học đều các môn. Bất kỳ một ngành nghề nào, một lĩnh vực nào cũng cần thiết kiến thức tối thiểu để phục vụ cho cuộc sống, đó gọi là kiến thức phổ thông.
Vậy nên, cần học đều chứ không thể học lệch, còn sau khi vào đại học có thể theo sở thích và nhu cầu, lúc đó sẽ học chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, lĩnh vực mũi nhọn. Học đều ở đây là kiến thức yêu cầu của cấp phổ thông mỗi học sinh phải nắm được, phải hiểu được như nhau, chứ không phải là chỉ ưu tiên cho một môn học nào.
Còn nhiều ý kiến trái chiều đối với Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT. Ảnh: Quốc Tuấn
Khi nhìn mặt tích cực, Thông tư 22 đang chuyền tải đến xã hội một luồng gió mới, thể hiện thông điệp, mục tiêu, của nền giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, với chương trình mới, cách đánh giá mới vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội là điều dễ hiểu.
Thứ nhất: Quy định cũ chưa kịp “tiêu” đã “sinh” quy định mới
Những năm qua, việc đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được thực hiện theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT. Năm học 2020/2021 vừa qua thì thực hiện theo Thông tư 26/2020/TT-BGĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mục tiêu mà Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 22 mới là hạn chế bệnh ngụy thành tích, hạn chế khen thưởng học sinh tràn lan như những năm qua mà báo chí đã phản ánh nhiều lần. Thế nhưng, dù nâng lên 8.0 hay 9.0 điểm để được khen thưởng danh hiệu học tập cũng không hẳn sẽ giúp cho chất lượng dạy và học thật hơn.
Thứ hai: Vẫn khó triệt tiêu bệnh thành tích
Luận điểm này không phải không có lý bởi vì từ trước tới nay, học để thi, học vì giấy khen. Ngành giáo dục, cha mẹ, thầy cô… chưa chú trọng đến hạnh phúc của người học, coi điểm số, giải thưởng là thành công, không thấy hay không muốn thấy mặt trái của nó.
Làm sao loại bỏ được tư duy “cấp trên” không chấp nhận thực tế, còn cấp dưới thì “báo cáo” để được thành tích, để được cấp trên công nhận xuất sắc, tiên tiến? Câu hỏi này không dễ trả lời và cũng không phải ngày ‘một sớm một chiều’ giải quyết được.
Cứ nhìn vào cách khen thưởng ở cấp Tiểu học hiện nay, cứ nhìn vào báo cáo điểm học bạ lớp 12 mà các địa phương báo cáo về Bộ trong các năm học thì mọi người sẽ thấy bản chất của sự việc rõ ràng hơn nhiều.
Thứ ba: Không thể cào bằng các môn học
Giáo dục chỉ thành công khi phát huy được năng lực phẩm chất người học. Người học có thế mạnh về năng lực phẩm chất gì sẽ được tự do quyết định học môn mình thích. Nhà trường, giáo viên, đào tạo môn học giúp năng lực phẩm chất đó phát triển, đó là môn chính của cá nhân.
Đã gọi là xã hội phải chấp nhận có người cao, người thấp. Có nỗ lực học tốt, ý thức tốt thì điểm tốt, không học thì điểm thấp hơn, chúng ta không nên dạy cho học trò thành tích ảo, mà hãy dạy cho học trò tính thành thật, tự tin đứng lên bằng đôi chân chính mình, đi tiếp sẽ thành công.
Điều này cũng có nghĩa, những thay đổi trong ngành GD-ĐT từ trước tới giờ vốn dĩ luôn bị dư luận đánh giá “cập rập”, thay đổi chỉ là “bình mới rượu cũ” dễ tạo áp lực cho giáo viên, học sinh, không giải quyết được vấn đề cơ bản chất lượng dạy và học.
Nói cách khác, dư luận quan tâm đến vấn đề chất lượng giáo dục có được nâng lên hay không, chứ thay đổi cách đánh giá chỉ hình thức. Muốn đánh giá học lực phải thực tế và coi trọng việc đào tạo đội ngũ giáo viên vừa hồng vừa chuyên, có tâm huyết với giáo dục. Hàng ngũ lãnh đạo ngành GD-ĐT phải thật sự trong sạch lành mạnh, mô phạm. Nói thẳng ra, cải cách phải từ ý thức con người chứ không phải cách đánh giá con người.
Vậy nên, Thông tư 22 mới này là tiến hay lùi thì hãy để xem nó "sống" được bao lâu ngoài thực tiễn. Mong rằng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, cùng những người làm chính sách cũng phải tiếp thu, nhìn nhận nghiêm túc những ý kiến phản biện.
Có thể bạn quan tâm
19:53, 28/08/2021
05:00, 31/08/2021
05:00, 23/08/2021
04:18, 12/04/2021
17:21, 27/07/2021
19:20, 16/07/2021
05:05, 07/07/2021
03:10, 05/07/2021
15:34, 29/06/2021