Việc quy định thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng có nghĩa không thu tiền xử lý rác "đổ đồng" theo hộ gia đình mà dựa trên lượng rác, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho một số đối tượng nhất định.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết,Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến không quy định cụ thể vấn đề này mà chỉ đưa ra nguyên tắc.
- Dự thảo Luật lần này đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là quy định thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng, vấn đề này được hiểu như thế nào thưa Bộ trưởng?
Việc quy định thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng có nghĩa không thu tiền xử lý rác đổ đồng theo hộ gia đình mà dựa trên lượng rác. Tức là, người nào xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều hơn.
Thông thường đo bằng khối lượng thì không thực tế nên chủ yếu người ta đo bằng thể tích. Chẳng hạn, trên bao bì đựng rác người ta tính khoảng bao nhiêu mét khối rác. Tính theo thể tích là phù hợp hơn.
- Chúng ta sẽ thực hiện việc thu phí này theo lộ trình như thế nào, liệu có khả thi thưa Bộ trưởng?
Các nước đa phần thực hiện phương thức thu tiền dựa vào thể tích túi bao bì với nhiều màu sắc khác nhau. Với Việt Nam, sau khi Luật được Quốc hội thông qua, việc quy định bao nhiêu loại túi, màu sắc thế nào, thể tích ra sao sẽ có văn bản dưới luật hướng dẫn.
Tôi lưu ý, Hàn Quốc phải mất 10 năm để thực hiện được vấn đề này. Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý rác. Quan trọng là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không, vì đây là việc người dân trực tiếp phân loại rác ngay ở khâu đầu. Nếu người dân ủng hộ, tôi sẽ tin thành công.
Về phía Nhà nước sẽ bảo đảm các điều kiện, khuyến khích để người dân tham gia. Cùng với đó, Nhà nước phải đầu tư đồng bộ công nghệ trong quá trình vận chuyển, xử lý rác, loại nào tái chế thì tách riêng ra, loại nào phải xử lý như đốt đưa thành nhiệt năng…
Một yếu tố quan trọng nữa là vai trò truyền thông của báo chí, làm sao tuyên truyền để bà con hiểu khi làm việc này chính là bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình.
Hơn nữa, để đi vào thực chất phải có sự giám sát của người dân chứ không thể chỉ cơ quan nhà nước giám sát. Chúng ta có nhiều chế tài xử lý, nhưng quan trọng nhất là giám sát của cộng đồng.
- Đã có những lo lắng rằng chi phí rác thải của người dân sẽ tăng lên, Chính phủ đã tính tới chính sách hỗ trợ như thế nào?
Nhu cầu của người dân là khác nhau, có người sẵn sàng chi trả nhưng có người còn khó khăn nên Nhà nước sẽ hỗ trợ cho một số đối tượng nhất định.
Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí một phần để mục tiêu chung là những nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu duy trì hoạt động sản xuất. Đó là những điều chúng ta phải làm và dự thảo luật phải quy định điều đó. Có như vậy mới xã hội hoá được để hình thành được ngành xử lý môi trường.
- Xã hội hoá đề hình thành ngành xử lý môi trường có vẻ luôn là vấn đề khó khi thực tế là các đơn vị môi trường còn hạn chế, vậy nguồn lực nào thực hiện quy định mới này?
Phải xác định rác là tài nguyên nên cần phải có lực lượng là ngành công nghiệp xử lý chất thải. Do đó, phải tính làm sao giá xử lý đủ chi phí để các nhà đầu tư thấy được lợi để đầu tư vào.
Nhà nước và các địa phương phải có chính sách phù hợp. Để thu hút xã hội thì giá xử lý phải đảm bảo được chi phí đầu tư, vận hành, có lãi. Hiện chi phí xử lý rác thải sinh hoạt rất thấp thì khó có thể thu hút đầu tư.
Chúng ta phải tính toán chi phí cho phù hợp, yêu cầu các đơn vị là doanh nghiệp khi xả rác phải chi trả tiền đúng khối lượng. Còn với người dân, nhà nước có thể hỗ trợ cho những đối tượng chính sách, gia đình khó khăn.
Mục tiêu là làm sao thu phí xử lý rác thải để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia có lãi. Có như vậy ngành xử lý rác thải mới thu hút được những doanh nghiệp có năng lực, có công nghệ, quản trị tốt.
Có thể bạn quan tâm
16:27, 11/06/2020
15:40, 11/06/2020
00:53, 09/06/2020
16:14, 06/06/2020
11:00, 03/06/2020
04:50, 31/05/2020