Thủ tục hành chính vẫn là “rào cản chính”

HUYỀN TRANG 01/06/2020 11:01

Mặc dù các cuộc đối thoại với doanh nghiệp châu Âu đều được tổ chức hằng năm nhưng dường như những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu vẫn chưa được lắng nghe đầy đủ.

Đáng nói, hiện tại đã là thời điểm cận kề EVFTA có hiệu lực nhưng nhiều quy định, quy chuẩn kiểm tra đặt ra đang khiến các doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí nhưng lại không gia tăng chất lượng sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Thậm chí, còn làm lỡ cơ hội từ các FTA thế hệ mới.

p/Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA”

Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA”

Doanh nghiệp vẫn “kêu trời” vì quy chuẩn, quy định

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Đại diện tiểu ban mỹ phẩm, Eurocham cho biết quy định giấy chứng nhận lưu hành tự do từ các nước xuất khẩu cho mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam (CFS) đang tạo nên gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.

“CFS về bản chất chỉ là giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nước sản xuất để cấp chứng nhận về việc mỹ phẩm đó có thể được bán tại nước xuất khẩu. giấy chứng nhận này không chứng nhận về chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm, thậm chí là sản phẩm được cấp CFS không thực sự được lưu hành tại quốc gia cấp CFS. Vì vậy, việc yêu cầu phải nộp CFS khi công bố sản phẩm mỹ phẩm là gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp mỹ phẩm Châu Âu tham giao vào thị trường”, bà Trinh nói.

Hơn nữa, cũng theo bà Trinh, khó khăn thứ 2 với CFS là một số nước xuất khẩu không thể cấp CFS để đáp ứng được tất cả các yêu cầu của cơ quan hành chính tại Việt Nam. “Từ đây, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp Việt cũng bị mất đi và có thể cơ hội này lại rơi vào tay doanh nghiệp Châu Âu khi EVFTA có hiệu lực”, bà Trinh nhấn mạnh.

Cũng bằng thực tế kinh doanh bà Lê Thị Nụ - Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Wood Alliance cho hay, có những C/O phải mất 2,5 tháng doanh nghiệp mới có được, điều này khiến nhiều lô hàng bị lỗ vì không lấy được C/O và không thông quan được hàng. “Hiện, công ty đang xúc tiến sang thị trường EU đối với mặt hàng gỗ dán, sản phẩm nội thất, cửa tủ bếp. Nếu không giải quyết được C/O thì khó có thể tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại”, bà Nụ băn khoăn.

Không chỉ trong lĩnh vực mỹ phẩm hay trong lĩnh vực gỗ, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như thuốc thú ý, dược phẩm, thủy sản… cũng khẳng định vẫn còn nhiều quy định, nhiều thủ tục hành chính mang tính chất rào cản, đặt doanh nghiệp vào thế khó trong việc cạnh tranh với các đối thủ để tiếp cận thị trường xuất khẩu, nhất là khi EVFTA đang cận kề thời điểm thực thi.

Phải số hóa các thủ tục hành chính

Công bằng mà nói trong vài năm trở lại đây, môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, những cải thiện này dường như vẫn chưa đủ để cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy hài lòng. Nói khái quát lại thì chi phí vẫn cao và rào cản kinh doanh vẫn… lắm. Bởi theo đánh giá của VCCI, hiện nay vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi. Tuy nhiên, về mặt lập pháp thì việc tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh khó có thể tiếp tục được thực hiện ở cấp nghị định, mà phải ở cấp luật. Các đạo luật cần được điều chỉnh bao gồm cả phụ lục 4 của Luật Đầu tư và các đạo luật trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Thật ra, chi phí tuân thủ pháp luật và các điều kiện kinh doanh đều do hoạt động lập pháp, lập quy “đẻ” ra. Vì vậy, cải tiến quy trình lập pháp, xác lập kỷ luật cho việc đề ra các quy phạm, các điều kiện kinh doanh, số hóa mạnh mẽ các thủ tục hành chính là rất cần thiết để doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ hội mà EVFTA mang lại.

Nói như Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết. Đồng thời, tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tục hành chính: Cần một

    Thủ tục hành chính: Cần một "tối hậu thư"

    06:00, 01/06/2020

  • Cách mạng thủ tục hành chính

    Cách mạng thủ tục hành chính

    11:10, 30/05/2020

  • Cải cách thủ tục hành chính: Cần chia sẻ “quyền lực”

    Cải cách thủ tục hành chính: Cần chia sẻ “quyền lực”

    04:00, 24/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tục hành chính vẫn là “rào cản chính”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO