Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển đô thị thông minh để nâng cao tính cạnh tranh quốc gia

THY HẰNG 22/10/2020 14:39

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh là “cuộc chơi” lớn, Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.

Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 diễn ra ngày 22/10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với phiên toàn thể về Đô thị thông minh – hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 diễn ra ngày 22/10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 diễn ra ngày 22/10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thy Hằng

 6 yêu cầu trong phát triển đô thị thông minh

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) đã được lập năm 2018 với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên.

Thủ tướng cho biết, để mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN thực sự phát huy hiệu quả, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển đô thị thông minh.

Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, phát triển đô thị thông minh là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong phát triển của Việt Nam. Phát triển đô thị thông minh là “cuộc chơi” lớn, việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.

Để hiện thực điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số yêu cầu cho quá trình phát triển. Thứ nhất, gắn phát triển đô với Chính phủ số, chính quyền số.

Thứ hai, phát triển đô thị thông minh trên cơ sở cân nhắc cơ hội, rủi ro, không thực hiện theo phong trào. 

Thứ ba, phát triển đô thị thông minh có kế thừa và phát huy bản sắc, đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của từng quốc gia.

Thứ tư, Thủ tướng lưu ý các địa phương, trong quá trình phát triển đô thị thông minh cần gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ năm, thu hút tư nhân vào phát triển đô thị thông minh, phát huy bản sắc cộng đồng của các đô thị trong quá trình phát triển đô thị thông minh. “Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân và doanh nghiệp tạo lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ sáu, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh các chương trình đào tạo nhân lực, chuyển đổi số cho phát triển đô thị thông minh hoàn chỉnh.

Trong thế giới biến đổi khó lường, Thủ tướng mong muốn các nước thành viên ASEAN ưu tiên các nội dung phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; Yêu cầu ngành xây dựng, các bộ ngành chức năng và các địa phương, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hỗ trợ lẫn nhau trong bước đi, tạo cách làm tiết kiệm, hiệu quả và có lợi cho người dân.

Theo đó, phát triển đô thị thông minh sớm hơn ở các địa phương lớn. Đồng thời, phát triển đô thị thông minh một cách đồng bộ ở một số thành phố mới như Huế và ở các tỉnh thành phố phía Nam, phía Bắc.

Hướng tới bản sắc cộng đồng

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững đang ngày càng trở nên cấp bách.

Theo đó, quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng cácbon điôxít (CO2) trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.

Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050.

Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050.

Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trườn và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết. Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội?

Để giúp trả lời cho câu hỏi này, năm 2018, Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) đã được lập ra với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên.

“Do đó, Diễn đàn năm nay tập trung vào hai chủ đề là xây dựng đô thị thông minh hướng tới cộng đồng, bởi các đô thị không thể thông minh nếu thiếu vắng sự tham gia của các công dân, các đô thị chỉ thực sự thông minh khi phát huy được bản sắc của cộng đồng mình. Thứ hai, phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Sự gắn kết và chủ động thích ứng sẽ giúp chúng ta vượt qua những thử thách khó khăn trong cả ngắn hạn như đại dịch COVID19, cũng như những thách thức dài hạn của biến đổi khí hậu và những khó khăn trong việc khôi phục phát triển kinh tế hậu COVID hay đối phó với những rủi ro phi truyền thống tương tự đại dịch này”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Trên thực tế, tại Việt Nam, chủ trương phát triển đô thị thông minh đã được Việt Nam chính thức đưa vào Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950) và ban hành Nghị quyết số 50, ngày 17/4/2020 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị thông minh thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế bất cập lớn, sự phát triển đô thị thông minh cũng có sự khác biệt giữa các địa phương, cơ sở dữ liệu lớn cho phát triển đô thị thông minh còn chưa đầy đủ... 

Do đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian tới, cần tập trung xây dựng các quy định cụ thể để phát triển các hoạt động về đô thị thông minh như Luật về phát triển đô thị, sửa đổi các tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan…"Cần tập trung xây dựng các công cụ đánh giá như khung đánh giá chung cho các loại đô thị, các chỉ tiêu kinh tế chuyên ngành về đô thị thông minh", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi xây dựng đô thị thông minh, quy định rõ từng loại hình sử dụng nguồn lực nhà nước hay tư nhân. Cùng với đó, xây dựng cơ chế điều phối phát triển đô thị thông minh.

Đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy giữa các quốc gia ASEAN và các đối tác vì một ASEAN gắn kết chủ động thích ứng.

Có thể bạn quan tâm

  • TP. HCM ra mắt Trung tâm An toàn thông tin phục vụ Đô thị thông minh

    21:45, 11/10/2020

  • Đồng Tháp: Phát triển kinh tế theo mô hình “nền kinh tế tuần hoàn và đô thị thông minh”

    05:55, 19/07/2020

  • Xu hướng đô thị thông minh tại Nhật Bản

    11:30, 15/06/2020

  • Từ chuyện "cán nát mẹt hàng" nghĩ về... đô thị thông minh

    06:00, 05/02/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển đô thị thông minh để nâng cao tính cạnh tranh quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO