Thừa Thiên Huế đang trở thành “bến đỗ” hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Với việc xây dựng các sản phẩm xúc tiến đầu tư cụ thể phù hợp với định hướng phát triển và phát huy năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thừa Thiên Huế đang trở thành “bến đỗ” hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. DĐDN đã có buổi trao đổi với ông Trần Công Thích Vương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư xung quanh nội dung này.
- Phát huy những lợi thế cạnh tranh, tỉnh đã luôn nổ lực để đồng hành, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Xin ông chia sẻ thêm về điều này và những kết quả đạt được của Thừa Thiên Huế trong thu hút đầu tư?
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung với nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư, Thừa Thiên Huế có cửa ngõ giao thương thuận lợi bao gồm trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam; nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam với Lào, Thái Lan và Myanmar, là cửa ngõ ra biển Đông của hành lang kinh tế quan trọng này.
Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO công nhận và hơn 1.000 di tích lịch sử; với 128km đường bờ biển, có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Vịnh Lăng Cô, Vườn Quốc gia Bạch Mã. Tỉnh có khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô 27.108 ha với vị trí địa lý thuận lợi. Huế cũng là mảnh đất học, nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định trọng tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội địa phương vẫn là công tác kêu gọi đầu tư và giữ gìn môi trường đầu tư minh bạch, công khai và thuận lợi.
Nhờ đó, công tác xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2022 có 31 dự án đầu tư đã được phê duyệt với tổng vốn đăng ký khoảng 10.319 tỷ đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã cấp mới 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.974 tỷ đồng (trong đó 10 dự án FDI với vốn đăng ký 67,5 triệu USD). Bên cạnh đó, có 432 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.226,4 tỷ đồng.
Để đồng hành cùng nhà đầu tư, tỉnh đã thành lập 04 Tổ Công tác liên ngành do đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo nhằm trực tiếp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND góp phần hỗ trợ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng...
- Hiện nay, các địa phương đã và đang đổi mới, linh hoạt các giải pháp trong thu hút đầu tư để phù hợp với bối cảnh mới. Xin ông chia sẻ về thực tế triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế?
Trong thời gian qua, tỉnh chú trọng tập trung đổi mới xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đối tượng cụ thể phù hợp với cơ cấu địa phương. Đặc biệt, tỉnh xác định năm 2023 là năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hiện nay, môi trường đầu tư của tỉnh từng bước được cải thiện theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, xây dựng các sản phẩm xúc tiến đầu tư chính là các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể, với các tiêu chí cụ thể trên cơ sở rà soát khảo sát hiện trạng, xác định diện tích, quy mô, quy hoạch và các vấn đề liên quan đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, phát huy năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Trong đó, tỉnh thực hiện chiến lược truyền thông, đa dạng hoá các hình thức marketing, quảng bá sản phẩm; Đẩy mạnh xã hội hoá xúc tiến đầu tư bằng cách kết nối với các đối tác của nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng; Phát huy tối đa vai trò trách nhiệm của 04 Tổ Công tác đặc biệt nhằm nắm bắt và cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án; Phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trong hỗ trợ nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm và quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
- Vậy, chiến lược thu hút đầu tư của Thừa Thiên Huế trong tình hình mới ra sao, thưa ông?
Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là chiến lược lâu dài; trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp sang dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp.
Theo đó, tỉnh mạnh dạn từ chối dự án nhà máy kẽm ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, dự án nhà máy điện than ở Phong Điền... để kiên định mục tiêu phát triển bền vững trên nền tảng bảo tồn văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Thừa Thiên Huế xác định chương trình xúc tiến đầu tư phải gắn liền với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và định hướng xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, tăng trưởng xanh luôn là mục tiêu cốt lõi, quyết tâm thu hút đầu tư có chọn lọc.
Tỉnh ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0; Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững; Thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao; Thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực nhằm hình thành và phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm logistics; phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghiệp cao; phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan, khu đô thị, hạ tầng cảng biển.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án như: Dự án Khu Công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung Thừa Thiên Huế; Dự án Tổ hợp giáo dục tại Khu E - Đô thị mới An Vân Dương; Các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc sông Hương và ven biển; Dự án Bến cảng Phong Điền; các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các Cụm Công nghiệp và các dự án bất động sản...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế: Nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, Sở đã tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu; Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình thi công xây dựng công trình nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; Tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án đã được bố trí đủ vốn để đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các địa phương trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư; bám sát thực tế, kịp thời đề xuất giải pháp xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm kê, đo đạc địa chính, áp giá, chi trả tiền đền bù,... đảm bảo có mặt bằng để triển khai thi công; Tích cực kiểm tra, giám sát về việc giải ngân vốn đầu tư, có biện pháp mạnh về việc chậm tiến độ công trình. Trong thời gian tới, hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện nhờ việc thực hiện các quy hoạch chuyên ngành giao thông. Ngoài ra, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành thực hiện quy hoạch các địa phương trong tỉnh và các quy hoạch ngành khác. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế: Năm 2023, lạm phát có xu hướng chậm lại nhưng tăng trưởng kinh tế bộc lộ nhiều khó khăn do nhu cầu trong nước và thế giới giảm mạnh. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, đồng bộ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, NHNN đã thực hiện các giải pháp như hạ lãi suất; thực hiện các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ lãi suất; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.... Đặc biệt, NHNN tỉnh cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các Hội/CLB doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức thành công Hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với gần 150 doanh nghiệp tham gia; Phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh” để cùng trao đổi các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN tỉnh thường xuyên chỉ đạo các TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Những giải pháp nêu trên đều nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tiếp tục đạt hiệu quả cao. |
Có thể bạn quan tâm