Là một trong những quốc gia sở hữu các doanh nghiệp với nguồn vốn lớn, tính sáng tạo cao cũng như giàu kinh nghiệm nhất thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa thu hút đầu tư từ Mỹ.
>> Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội nhiều hơn thách thức!
Những tiềm năng đầy hứa hẹn
Trải qua hơn 25 năm bình thường hóa quan hệ, vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đã vượt mốc 9 tỉ USD. Mặc dù vậy, nếu so sánh với con số khoảng 300 tỉ USD mà Mỹ đầu tư ra nước ngoài mỗi năm, thì vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam còn quá ít. Kể từ năm 2014 đến nay, có lúc (năm 2012), Mỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam hơn 224 triệu USD, xếp thứ 16 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Lũy kế đến ngày 20/8/2021, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam 1.122 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 9,7 tỷ USD.
Hiện các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với 24 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 4,2 tỷ USD, chiếm 44,1% tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 383 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD, chiếm 32,0% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực thứ 3 là cấp nước và xử lý chất thải chiếm 5,4% và vận tải kho bãi, chiếm khoảng 4,0% tổng vốn đầu tư từ quốc gia này vào Việt Nam.
Các dự án đầu tư của Hoa Kỳ tập trung chủ yếu ở các địa phương, như: Bà Rịa – Vũng Tàu; TP. Hồ Chí Minh; Bình Dương; Đà Nẵng. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu dẫn đầu với 19 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 4,6 tỷ USD, chiếm 47,6% tổng vốn đầu tư.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam chưa có sự phân bổ đồng đều, chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Nam do có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và là khu vực phát triển kinh tế năng động hàng đầu trong nước.
Đáng chú ý nhiều Công ty Mỹ như Coca Cola, Procter & Gamble, Conoco… từng đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số nước khác như British Virgin Islands, Singapore, Hong Kong…
Theo ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng thống kê trên chưa thể hiện hết sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam là của các tập đoàn lớn Hoa Kỳ thông qua nước thứ ba. Nếu thống kê đầy đủ, con số đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn rất nhiều.
Trong khi đó, theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 8/2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 204 dự án đầu tư sang Hoa Kỳ, với tổng vốn đầu tư đạt 1,06 tỷ USD. Các dự án đầu tư sang Hoa Kỳ của doanh nghiệp trong nước tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, có 10 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 342 triệu USD, chiếm 32,3% tổng vốn đầu tư; hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư.
Tồn tại nhiều thách thức
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, số vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng, mối quan hệ giữa hai nước. Trên thực tế, một số nước có lợi thế cạnh tranh hơn so với Việt Nam trong thu hút FDI từ Hoa Kỳ. Đây là lợi thế cạnh tranh cấp cao (lợi thế động: vốn lớn, công nghệ hiện đại, người lao động có chuyên môn cao…); còn lợi thế cạnh tranh của Việt Nam lại thuộc cấp thấp (lợi thế tĩnh: tài nguyên tự nhiên không có khả năng tái sinh, tiền lương thấp, tỷ lệ lao động có trình độ tay nghề cao còn hạn chế).
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về công nghiệp hỗ trợ cũng là một trở ngại lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Mỹ nói riêng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Mỹ nói riêng vẫn còn một số quan ngại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, sự thay đổi thường xuyên của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư của Việt Nam.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, hai bên có nhiều việc cần phối hợp làm sao để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư.
"Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay là phát triển kinh tế số. Mỹ sở hữu những doanh nghiệp mạnh về công nghệ thông tin và Việt Nam cũng đang dần có nhiều doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hai nước cũng phải xây dựng khung hoạt động của ngành này để các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng tham gia mạnh mẽ hơn vào cấu trúc nền kinh tế số", bà Virginia Foote nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Eric Johnson, Luật sư cao cấp của Công ty Luật Freshfields Bruckhaus văn phòng Việt Nam cho rằng, Mỹ sở hữu nhiều công ty công nghệ sáng tạo lớn nhất thế giới, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư PE lớn nhất và giàu kinh nghiệm. Vốn, bí quyết và mạng lưới mà các nhà đầu tư này có thể mang lại có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Tuy nhiên, sự không chắc chắn hiện tại xung quanh tính khả thi và hợp pháp của nhiều mô hình kinh doanh cốt lõi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại không làm các nhà giao dịch Hoa Kỳ cảm thấy mặn mà, nên họ đã tìm kiếm cơ hội khác với các khuôn khổ pháp lý cụ thể hơn.
"Với tầm quan trọng của nền kinh tế số đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam, Chính phủ cần ưu tiên đổi mới và đầu tư vào lĩnh vực này, cũng như nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm thu hút vốn và bí quyết từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Đây sẽ là một bước đi đúng hướng", ông Eric Johnson cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên xem xét lại chính sách để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lĩnh vực có giá trị tăng trưởng cao để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; nâng tỉ lệ nội địa hóa và ngăn chặn những hoạt động đầu tư không thân thiện với môi trường.
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn, trong khi môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Do đó, đầu tư 2 chiều giữa 2 nước được kỳ vọng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội cho doanh nghiệp logistics
03:00, 18/11/2021
“Rộng cửa” giao thương Việt - Mỹ
14:00, 17/11/2021
ĐIỂM BÁO: "Rộng cửa" giao thương Việt - Mỹ
06:30, 17/11/2021
Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Động lực mới từ nền tảng quan hệ vững chắc
05:00, 17/11/2021
Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Khẳng định vị thế hàng không Việt Nam
17:40, 16/11/2021