Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 7: Nhìn sang… nước bạn

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 13/11/2023 05:30

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định trong những năm qua, tuy nhiên, để ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam phát triển, cần nhìn vào bài học thành công từ các nước bạn…

>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí trong nước phát triển, cùng việc hỗ trợ thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách được ban hành cần rõ ràng và có sự giám sát thực hiện chặt chẽ. Bên cạnh việc hoàn thiện nội lực, để có hướng đi cho ngành này, kinh nghiệm từ các nước đã thành công cũng được cho là bài học quý. 

Không ít quốc gia trong khu vực đã có chiến lược phát triển thành công ngành cơ khí - Ảnh minh họa

Không ít quốc gia trong khu vực châu Á đã có chiến lược phát triển thành công ngành công nghiệp cơ khí - Ảnh minh họa

Coi cơ khí là ngành mũi nhọn

Thống kê cho thấy, từ năm 2009, châu Á đã trở thành vùng sản xuất lớn nhất của ngành cơ khí thế giới, chiếm hơn một nửa số máy móc, thiết bị bán ra. Ngoài Trung Quốc, các quốc gia Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc,... đều ưu tiên chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, coi đó là mũi nhọn để phát triển kinh tế.

Như Thái Lan, từ 1960-1970, nước này xác định chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí, trong đó phát triển ôtô thành một ngành kinh tế trọng điểm. Khi đó, các ngành công nghiệp Thái Lan nói chung và công nghiệp ôtô nói riêng còn khá nhỏ bé, số lượng các doanh nghiệp công nghiệp trong nước không nhiều và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu.

Đầu những năm 1970, Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh và xây dựng chiến lược toàn diện cho phát triển ngành công nghiệp ôtô. Chính phủ nước này đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, quy định chặt chẽ về tỷ lệ nội địa hóa. Thái Lan yêu cầu các hãng sản xuất ôtô nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ phải mua các chi tiết, linh kiện sản xuất tại địa phương. Mục tiêu của chính sách nội địa hóa này là nhằm tăng dần năng lực sản xuất chi tiết, linh kiện ô tô của các doanh nghiệp trong nước…

Chính phủ Thái Lan cho phép thành lập các khu công nghiệp tập trung tại Bangkok và các tỉnh lân cận, ban hành các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, thay vì quy định ngặt về tỷ lệ nội địa hóa, thực hiện chính sách theo hướng linh hoạt hơn thông qua việc yêu cầu các hãng phải đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa theo lộ trình.

Hay như Hàn Quốc, từ những năm 1960-1970, Chính phủ nước này cũng đã mạnh dạn đầu tư vào 4 ngành công nghiệp mũi nhọn: Đóng tàu, lọc hóa dầu, ôtô và bán dẫn. Bốn ngành mũi nhọn này đã đem lại cho Hàn Quốc kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Năm 1971, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 1 tỷ USD, đến năm 1977, con số này đã tăng lên 100 tỷ USD, và đến năm 2014, con số này đã tăng gấp hơn 500 lần, đạt 573 tỷ USD.

Để sản phẩm dễ bán, nước này chủ định giảm giá đồng won, bảo hộ thị trường trong nước, quản lý chặt chẽ ngoại hối, do đó sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc dù không tốt bằng Nhật Bản nhưng rẻ hơn nhiều nên có thể vào thị trường châu Âu và Mỹ. Kết quả của thời kỳ này, Hàn Quốc đã hình thành các ngành công nghiệp nặng khá phát triển dựa trên các tập đoàn kinh tế lớn…

>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền

Đây có thể là những bài học lớn để Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước - Ảnh minh họa

Đây có thể là những bài học lớn để Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước - Ảnh minh họa

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Nói đến bài học thành công của ngành công nghiệp cơ khí, không thể không nhắc đến Trung Quốc khi những năm gần đây, các sản phẩm máy móc, cơ khí của quốc gia này xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới.

Để có sự phát triển này, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng và nhiều biện pháp khác khuyến khích các hãng nước ngoài sử dụng các linh kiện sản xuất tại địa phương. Đồng thời chú trọng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, để nhanh chóng làm chủ công nghệ và hướng tới nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô. Nhờ những chính sách này, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô của Trung Quốc đã liên tục tăng qua các năm.

Ngoài ra, với chính sách đa dạng hoá loại hình, đa dạng hoá cấp độ chất lượng và giá cả, các sản phẩm cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp của Trung Quốc (đặc biệt là các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp có công suất vừa và nhỏ) đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, bài học lớn của Trung Quốc là đầu tư tích cực cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất hàng cơ khí, kết hợp với hoạt động xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cơ khí ra nước ngoài. Theo đó, từ năm 2004, các tổ chức tham gia vào ngành cơ khí được sự hỗ trợ của Chính phủ trong đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo và cung cấp thông tin sản xuất, thị trường.

Chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập nhiều trung tâm phát triển nguồn nhân lực và các khu nghiên cứu khoa học và trung tâm thông tin hỗ trợ phát triển ngành cơ khí. Tại các khu công nghiệp chính, Chính phủ đều đặt các trường đại học và các khu nghiên cứu khoa học, hỗ trợ thông tin, giúp nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào các khu công nghiệp.

Đáng nói, nước này có các trường đại học lớn về cơ khí chế tạo máy, với cả chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học lý thuyết, kết hợp với ứng dụng; hàng năm tăng số lượng các phát minh, mô hình có khả năng ứng dụng trong thực tế; cũng như cung ứng cho ngành cơ khí chế tạo máy của nước này nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng hơn. Ngành cơ khí được biết đến như một môn học chính nhằm mục đích bồi dưỡng nhân tài trong ngành khoa học và công nghệ của Trung Quốc.

Chính nhờ chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí như đã nêu trong nhiều năm, giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp cơ khí của Trung Quốc đã vượt 30 tỷ USD vào năm 2020.

Với vai trò, tiềm năng sẵn có, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần sớm rà soát nguyên nhân của sự phát triển chậm trễ của ngành công nghiệp cơ khí, đồng thời đưa ra những giải pháp “đòn bẩy” để thúc đẩy ngành này phát triển.

Bài 8: Sớm có chính sách hiện thực Chiến lược

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt

    05:30, 12/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền

    05:30, 11/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc

    05:30, 10/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

    14:20, 09/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng

    05:10, 08/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 7: Nhìn sang… nước bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO