Thỏa thuận cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu đã được các thành viên OECD, G7, G20 đồng thuận tại 137 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thỏa thuận trên được đưa ra trong bối cảnh làn sóng đầu tư quốc tế dẫn đến hệ lụy trốn thuế, gian lận thuế, khiến nhiều quốc gia không thu được thuế, hoặc chỉ thu được một khoản không đáng kể.
Năm 2020, Facebook bị điều tra trốn thuế tại Mỹ lên tới 9 tỷ USD, mạng xã hội này tìm cách chuyển lợi nhuận sang chi nhánh ở Iceland. Google dùng chiêu thức siêu đẳng hơn, gồm hai chiến lược gọi là “hai người Iceland” và “sandwich Hà Lan”, giúp giảm tỷ lệ thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của Google xuống 2,4%, thấp nhất trong top 5 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ.
Theo ước lượng của Sở thuế vụ Mỹ (IRS), giới siêu giàu nước này đã che dấu 20% thu nhập lẽ ra phải chịu thuế. Chỉ cần 1% trong nhóm này khai thuế trung thực, sẽ có 175 tỷ USD bị truy thu. Thực tế này gây ra bất bình đẳng giàu nghèo, góp phần đẩy nợ công chính phủ lên cao.
Cũng phải thấy rằng, các nước đang phát triển trưng ra điều kiện thu hút đầu tư vô cùng hấp dẫn, giảm thuế suất dần về 0%, cũng vô vàn ưu đãi chính sách, lao động,… cuối cùng chỉ làm lợi cho các tập đoàn đa quốc gia - giống như con đỉa hai vòi: trốn thuế ở chính quốc và được miễn thuế ở quốc gia sở tại.
Quy tắc thuế mới có thể ảnh hưởng đến nguồn thu thuế từ khối doanh nghiệp FDI, bởi doanh nghiệp có thể chọn nộp thuế tại nơi tiếp nhận vốn hoặc nơi công ty mẹ đặt trụ sở. Như vậy, sẽ phải tính toán lại mức thuế ưu đãi trong tương quan với mức thuế tối thiểu là 15% theo thỏa thuận nói trên.
Mức thuế suất tối thiểu sẽ là cuộc cách mạng giúp các nước đang phát triển như Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức thu hút đầu tư. Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành “chấm dứt cuộc đua về đáy” - càng lúc càng hạ thấp điều kiện.
Cụ thể ở đây là tăng cường đầu tư cho nhân tố con người, hạ tầng cơ sở và môi trường kinh doanh với thể chế minh bạch, hiện đại mới là yếu tố quyết định. Như vậy, quy định trên sẽ là chất xúc tác giúp thay đổi phương thức gọi vốn đầu tư. Đơn cử với phân khúc vốn công nghệ cao như chip, điện thoại thông minh từ Samsung, Apple, Intel, vấn đề nhà đầu tư đặt lên hàng đầu là trình độ lao động, hiện trạng cơ sở vật chất, thể chế…
Thuế suất tối thiểu toàn cầu giống như Hiệp định Thương mại mới, bản chất hướng đến sự minh bạch, công bằng và tiến bộ. Điều này sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng và đồng thời, hạn chế hiện tượng “báo lỗ” trốn, tránh thuế, chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam- con số được thống kê tương đương 151.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Cần ban hành Nghị quyết chống trốn thuế, chống chuyển giá
11:00, 02/06/2022
Tuân thủ quy tắc của OECD để chống chuyển giá
16:39, 25/02/2021
Giữ nguyên quyết định xử phạt Coca-Cola Việt Nam: Nghiêm minh chống chuyển giá
15:02, 22/02/2021
Chuyên gia kiến nghị giải pháp chống chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam
11:12, 18/02/2021
Từ vụ truy thu thuế Coca-Cola: Đã đến lúc chống chuyển giá, né thuế triệt để (Bài 3)
11:00, 08/02/2021