Chính sách thương mại của chính quyền Donald Trump từ 2025 (thương chiến 2.0) có thể tác động đến vĩ mô và nhiều nhóm ngành với mức độ khác nhau.
Về mặt vĩ mô, tác động từ chính sách thương mại - chủ yếu với công cụ nâng thuế đối ứng - sẽ có tác động đến cả tăng trưởng kinh tế, đầu tư nước ngoài (FDI và FII), tỷ giá và thương mại.
Trong đó, về tăng trưởng kinh tế, xét theo lý thuyết, Chứng khoán BSC cho rằng, nâng thuế quan khiến cho tăng trưởng kinh tế chậm lại. Cụ thể, nâng thuế quan khiến cho giá hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào gia tăng, giá thành sản phẩm cao ảnh hưởng lợi nhuận doanh nghiệp và kế hoạch mở rộng sản xuất.
Giá hàng hóa tăng đẩy chi phí tiêu dùng, gây sức ép lạm phát ảnh hưởng ngắn hạn đến chính sách điều hành kinh tế đồng thời thu hẹp tổng cầu nền kinh tế.
Thuế quan cũng kéo theo sự trả đũa với hàng hóa xuất khẩu, tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và thị trường lao động. Theo nghiên cứu của Tax Foundation: Nâng thuế quan có thể làm giảm sản lượng kinh tế dài hạn từ khoảng 0,4% đến 1,7%.
Về tỷ giá, thuế quan ảnh hưởng nhất thời đến lạm phát, tạo áp lực ngắn hạn tới tỷ giá. Nhưng nhìn xa hơn, chi phí đẩy gia tăng sẽ dần được trung hòa bởi việc tổng cầu suy giảm. Do đó, không làm thay đổi quỹ đạo lạm phát trung hạn, điều mà có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi xu hướng điều hành lãi suất.
Với dòng vốn đầu tư nước ngoài, dữ liệu ghi nhận trong những năm gần đây, dòng vốn rút ròng khỏi Trung Quốc đạt mức kỷ lục, tỷ giá giảm sâu, do đó, Trung Quốc không cần thiết phải phá giá tiền tệ như năm 2018 để tạo lợi thế thương mại. Theo BSC, các nhà phân tích duy trì quan điểm Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn, thu hút dòng vốn FDI nhờ: “Trung Quốc + 1”: Dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Môi trường kinh doanh thuận lợi với mức thuế thấp từ Chính phủ Việt Nam, ngoài ra, tình hình địa chính trị ổn định, đã ký hiệp định song phương và đa phương với nhiều quốc gia, khu vực kinh tế chủ chốt thế giới. Vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến hàng hải toàn cầu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư vào Việt Nam (Nvidia, Amkor, Hyosung…).
Đối với tình hình thương mại Việt Nam nói chung, trên kịch bản cơ sở tăng trưởng kinh tế chậm lại do thương chiến sẽ khiến cho tổng cầu sụt giảm, từ đó, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung cũng bị ảnh hưởng theo.
So với các nhóm hàng bị đánh thuế ở nhiệm kỳ đầu của ông Trump, các mặt hàng Việt Nam hầu như không nằm trong danh sách đó. Việt Nam hiện đang có mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.
Việt Nam duy trì tình hình thặng dư thương mại với Hoa Kỳ trong rất nhiều năm, tính riêng năm 2024, Việt Nam thặng dư hơn 104 tỷ USD. Đây là điều cần lưu ý trong trường hợp Hoa Kỳ mở rộng cuộc chiến thương mại và áp thuế với các nước có thặng dư thương mại lớn ở các vòng tiếp theo, BSC lưu ý.
Căn cứ theo các mặt hàng mà ông Trump áp thuế ở nhiệm kỳ đầu, thì những mặt hàng cần lưu ý: (1): Thép và Nhôm; (2): Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất thặng dư, mặt hàng Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng có thể phải chịu rủi ro.
Nhìn chung, thương chiến 2.0 có thể tác động đến kinh tế vĩ mô: Tác động thương mại: (1) Tích cực: Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang, Việt Nam có thể hưởng lợi từ (1) sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước xuất khẩu khác (bao gồm cả Việt Nam); (2) Tiêu cực: Thương mại của Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực bởi chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của ông Trump.
Ngoài ra, tác động đến chính sách tiền tệ trong ngắn hạn: Chính sách tài khóa mở rộng dưới thời MAGA + áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ khiến lạm phát tăng, dẫn đến lãi suất cao hơn và tỷ giá hối đoái USD tăng. Điều này có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD so với các đồng tiền khác, bao gồm cả Việt Nam, Chứng khoán BSC nhận định.
Một lưu ý là mặc dù thương chiến - các biện pháp nâng thuế quan được dự báo có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng, song theo quyết tâm - mục tiêu của Chính phủ đề ra và được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mức cao 8%, với nhiều chương trình, giải pháp trọng tâm hướng đến thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng nội địa, kỳ vọng sẽ là các trụ cột, động lực chính để hiện thực hóa các mục tiêu này.
Trên các dự báo tác động và đặc thù hoạt động của từng nhóm ngành, BSC đánh giá tác động của nâng thuế quan lên từng nhóm cụ thể.
Điện: Mức độ tác động là trung bình - khả quan. Các công ty điện và khí đốt có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giá nhiên liệu giảm, do đó cải thiện sức khỏe tài chính và giảm chi phí đầu vào. EVN sẽ thấy chi phí nhiên liệu giảm, điều này có thể giúp ổn định tài chính và giảm chi phí.
Dầu khí: Mức độ tác động trung bình. Việc ông Trump ủng hộ tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ làm tăng nguồn cung dầu khí và giảm giá dầu. Các công ty dầu khí niêm yết bị ảnh hưởng gián tiếp bởi giá dầu thấp, làm giảm nhu cầu khoan và khai thác.
Xuất – Nhập khẩu: Tác động trung bình. Trong đó, đối với từng ngành hàng, sẽ có những yếu tố tác động khác nhau.
Dệt may: Hiện tại, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với mức thuế suất trung bình khoảng 4% - 8%. Dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, theo BSC, mức thuế xuất khẩu trên sẽ được duy trì hoặc tiếp tục tăng trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng. Điều này sẽ làm giảm phần nào sức cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ giá rẻ như Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, v.v. Tuy nhiên, nhóm tin rằng với lợi thế có thể sản xuất các sản phẩm khó, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ESG cùng với điều kiện chính trị ổn định, ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được các đơn hàng, đặc biệt là với xu hướng Trung Quốc +1 đang được củng cố.
Thủy sản: Cá tra là một trong số ít mặt hàng hiện đang được hưởng mức thuế xuất khẩu 0% đối với cả ba doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam (VHC, ANV, IDI). Mức thuế này sẽ được duy trì trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump, vì xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhìn chung không bị coi là bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ. "Chúng tôi cũng lưu ý rằng, trong nhiệm kỳ Trump 1.0, VHC đã duy trì mức thuế 0% do các hoạt động không bán phá giá, nhưng hiện tại, quá trình điều tra và thanh tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ sẽ nghiêm ngặt hơn so với chu kỳ trước", các chuyên gia phân tích.
Sản phẩm gỗ: Hàng hóa xuất khẩu từ gỗ chủ yếu chịu thuế chống lẩn tránh nhằm ngăn chặn hàng hóa chuyển hướng từ Trung Quốc sang các nước khác rồi tái xuất sang Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt Nam như PTB, VCS nhìn chung sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể vì họ có thể chứng minh đầy đủ nguồn gốc sản phẩm của mình.
Săm - Lốp xe: Theo kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vào tháng 5 năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ phải đối mặt với thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp từ 6,23% - 7,89%. Mức thuế này áp dụng cho ba công ty lốp xe FDI, trong khi DRC và CSM không phải chịu mức thuế này. Các doanh nghiệp Việt Nam như DRC, CSM có thể chứng minh được nguồn gốc sản phẩm của mình và từ đó giảm thiểu tác động của các cuộc điều tra chống bán phá giá.
Nhôm - Thép: Mức độ tác động tiêu cực. Theo BSC, ngành thép của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực ở mức độ vừa phải khi Hoa Kỳ bắt đầu điều tra nguồn gốc hàng nhập khẩu và áp thuế đối với thép từ các nước láng giềng như Mexico và Canada. Do lo ngại thép có thể đi đường vòng xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Mexico và Canada, sau đó gián tiếp thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Quan điểm của BSC có phần khác với một số nhận định của các CTCK như SSI, VDSC..., đã được chúng tôi phân tích và ghi nhận từ trao đổi cùng doanh nghiệp thép, trong bài viết trước.
Bất động sản khu công nghiệp: Mức độ tác động trung bình. Xu hướng "Trung Quốc +1" sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Ngoài ra, giá điện rẻ cùng với việc giải quyết tình trạng thiếu điện vẫn là yếu tố tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức: chi phí lao động tăng, giá thuê không còn cạnh tranh và thiếu cơ chế thu hút đầu tư sau khi áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Công nghệ thông tin: Mức độ tác động trung bình. BSC cho rằng tác động đến ngành CNTT của Việt Nam sẽ không đáng kể và sẽ không thay đổi so với nhiệm kỳ của Biden hay nhiệm kỳ trước của Trump. Các công ty Việt Nam muốn nhập khẩu chip bán dẫn từ Hoa Kỳ vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều yêu cầu về giấy tờ và thủ tục kiểm tra chặt chẽ, vì Hoa Kỳ vẫn lo ngại về việc Trung Quốc chuyển dữ liệu sang Việt Nam rồi xuất khẩu trở lại.