Thụy Điển - Việt Nam: "Thời điểm vàng" thúc đẩy thương mại song phương

Cẩm Anh 07/05/2019 15:39

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Thụy Điển tiếp tục là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong liên minh châu Âu.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển

Trong thời đại mới, Việt Nam đang hướng đến một làn sóng đầu tư mới và hợp tác phát triển bền vững. Sự tham gia của các công ty của Thụy Điển với kinh nghiệm và giải pháp được nhận định có thể đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

"Để Việt Nam bắt nhịp được với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, những kinh nghiệm từ Thụy Điển, quốc gia có lợi thế lớn trong lĩnh vực này sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng và chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất", Phó Thủ tướng cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Thụy Điển trở thành “thiên đường” khởi nghiệp?

    04:15, 04/04/2019

  • Thụy Điển cho phép tất cả nhân viên đều có thể nghỉ 6 tháng để mở startup

    04:26, 18/02/2019

  • SP.SAMCO: Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

    16:30, 28/04/2019

  • Hướng tới phát triển bền vững

    15:22, 19/04/2019

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị

Hợp tác kinh tế Việt Nam – Thụy Điển phù hợp với xu thế tự do hóa thương mại, phù hợp với nền tảng liên kết kinh tế chặt chẽ của Châu Âu và sự phát triển năng động của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Đặc biệt, là một quốc gia có tiếng nói quan trọng và có uy tín tại châu Âu cũng như trên trường quốc tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ và các doanh nghiệp Thụy Điển tiếp tục tác động và có tiếng nói mạnh mẽ để thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA.

EVFTA được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt các hàng rào thương mại - động thái rất cần thiết cho quan hệ song phương cũng như sự thịnh vượng của Việt Nam - Thụy Điển. Các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam đều hào hứng đón đầu những cơ hội mà EVFTA mang lại. Sau khi EVFTA được đưa vào thực thi, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đến và làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam hơn.

Quan trọng hơn, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, EVFTA sẽ mang tới cho doanh nghiệp hai bên một không gian, khuôn khổ nơi có những cuộc thảo luận, trao đổi về thương mại và hơn nữa là những tác động của thương mại đối với xã hội, với môi trường. Đồng thời mở ra nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, quản lý năng lượng, quản lý chất thải, thành phố thông minh, trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết thêm, các giải pháp đổi mới sáng tạo của Thụy Điển sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, phát triển kinh tế đang tạo ra những thách thức cho toàn cầu như: Ô nhiễm nước, không khí, đa dạng sinh học bị đe dọa, gây áp lực cho cơ sở hạ tầng, nhu cầu nước ngày càng tăng, quản lý chất thải ngày càng phức tạp.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Tuy nhiên, sự tăng trưởng cũng tạo ra những nguồn năng lượng mới, những nguồn lực mới thúc đẩy hướng tới một xã hội bền vững và lâu dài. Việt Nam hiện đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Các doanh nghiệp cũng đều có những sáng kiến mới, công nghệ mới, giải pháp mới hướng tới phát triển kinh tế mà còn cho sự phát triển bền vững. 

Chủ tịch VCCI nhận định, là một đối tác tin cậy và tiếp tục duy trì một mối quan hệ có một không hai với Việt Nam khi đã và đang là nhà tài trợ song phương đầu tiên trong các lĩnh vực như quản trị địa phương, cải cách tư pháp, báo chí truyền thông, minh bạch, chống tham nhũng, bình đẳng giới, và phát triển bền vững.

"Sự xuất hiện của các thành viên hoàng gia Thụy Điển, các thành viên chính phủ hai nước, và cộng đồng doanh nghiệp đã cho thấy vấn đề phát triển bền vững đã trở thành tầm nhìn chung. Những giải pháp và sáng kiến kinh nghiệm của Thụy Điển được kỳ vọng sẽ mang lại "luồng gió mới" cho doanh nghiệp Việt Nam", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Có thể thấy, trong quá khứ, Thụy Điển là nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969) và đã có sự hỗ trợ thực hiện đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế; tài chính; ngân hàng; quản lý kinh tế; hành chính; luật pháp,… Đồng thời tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)..

Tháng 1/2014, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên minh châu Âu (PCA). Thụy Điển cũng là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng viện trợ trên 3,5 tỷ USD. Sau khi chuyển sang đối tác bình đẳng cùng có lợi, đầu tư từ Thụy Điển vào Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng mạnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thụy Điển có 67 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 364 triệu USD tại các tỉnh thành như Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hưng Yên.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ và Công ty Ericsson (Thụy Điển) đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) với mục tiêu hỗ trợ nền tảng sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; nền tảng hỗ trợ học tập và giáo dục và là nền tảng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D). Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ của Việt Nam về Internet vạn vật trong thời đại công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển Ann Linde nhận định, các doanh nghiệp Thụy Điển đều thấy có rất nhiều lý do để tìm kiếm các cơ hội thương mại và kinh doanh tại Việt Nam. Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất sở hữu nhiều Hiệp định thương mại tự do toàn cầu, Việt Nam đã và đang là thị trường mới nổi hấp dẫn không chỉ với các tập đoàn đa quốc gia mà còn là một trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc sở hữu hệ sinh thái kinh doanh rất năng động đã thu hút nhiều công ty Thụy Điển và các tổ chức thương mại muốn tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam.  

Hiện nay, kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trưởng tốt, năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD. Hiện Thụy Điển có 67 dự án FDI ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 364 triệu USD, đứng thứ 34/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển đang kinh doanh thành công tại Việt Nam như ABB, Ericsson, Volvo, Tetra Pak, Electrolux… Các tên tuổi như H&M, Spotify, Skype hay IKEA đang trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam. Về tổng thể, quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam - Thụy Điển ngày càng phát triển sâu rộng.

Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Công chúa  kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và phu quân nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thụy Điển - Việt Nam: "Thời điểm vàng" thúc đẩy thương mại song phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO