Thủy thủ viễn dương - một thời để nhớ (Kỳ III)

Hà Linh Quân 31/08/2018 15:30

Nghề thủy thủ không còn "hot" như xưa. Đáng buồn là họ ít được xã hội quan tâm, trừ khi xảy ra một vụ đắm tàu!

Đi tàu trở thành nghĩa vụ

Một sáng mùa thu, nhà tôi có khách. Đấy chính là anh bạn thợ may H. H. đến nhờ tôi nói hộ với sếp của H. cho H. không phải đi tàu- cái nghề đã đưa anh lên “thiên đường” của thời bao cấp!

Đi tàu bây giờ là nghĩa vụ.

Đi tàu bây giờ là nghĩa vụ.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủy thủ viễn dương - một thời để nhớ (Kỳ II)

    11:02, 30/08/2018

  • Thủy thủ viễn dương - một thời để nhớ (Kỳ I)

    11:00, 29/08/2018

Chỉ tại thời mở cửa với kinh tế thị trường nhanh chóng lật đổ tất cả giá trị vật chất đã làm xênh xang cho người thủy thủ. Chẳng còn ai trầm trồ nữa trước những ngôi nhà 3 tầng của “lính” viễn dương. Làm nhà cao nhất thành phố bây giờ là người trên bờ. Có người chỉ buôn chổi đót cũng xây dựng được biệt phủ (?).  

Ngày nay, giới trẻ chẳng ai hiểu câu” Quí như là mì chính cánh”- ăn nhiều mì chính người ta khuyến cáo có thể gây bệnh ung thư. Còn táo Tây thì bán đầy ngoài chợ, cạnh gánh hàng rau. Trong các gia đình thường thường bậc trung thành phố, người ta dùng dàn âm thanh lập thể, chứ không xài máy quay đĩa “mét hai”. Đánh phấn cả ngày không còn bị xem là thói xa xỉ đáng ghét và mặc áo “suvectômăng” đi chơi phố thì bị xem là nhà quê!  Xe Cub mất địa vị là tài sản độc quyền của dân tàu biển. Các kiểu Công ty thương mại công khai nhập vào từng container các kiểu ô tô đời mới, để mời mọc các kiểu người tiêu dùng.

Cái thời hoàng kim tha lôi ào ạt hàng “Second- Hand” thượng vàng hạ cám từ nước ngoài về Việt Nam thu bộn tiền cũng chấm dứt, chẳng cần hoạt động ngăn chặn của công an và hải quan. Giấc mộng làm giàu bằng đường buôn lậu của giới thuyền viên tự động tan vỡ.

Khi các cửa hàng ở những cảng biển nước ngoài không còn hấp lực mạnh mẽ bắt người ta phải nghiến răng nuốt bao cao su chứa các tờ giấy  bạc xanh vào bụng như ngày xưa nữa, người ta bắt đầu cảm thấy khó chịu đựng được thêm nỗi vất vả gian khổ của đời thủy thủ.

Đã vậy lại còn nguy cơ gặp cướp biển Somali hoành hành trên Ấn Độ dương, hoặc các trận bão nhiệt đới bẻ con tàu gãy làm đôi. Thế là những người thủy thủ đủ ăn tìm cách lên bờ. Họ đã tỉnh ra: đi tàu bây giờ không còn đặc quyền, mà đã trở thành nghĩa vụ! Hậu quả nhãn tiền: Các bà bán buôn chợ Sắt không còn ham hố gả con gái cho họ nữa!

Không được thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tất cả các Công ty tàu địa phương dần dần chết đuối. Đại gia như Vinalines cũng bị gánh nặng nợ nần đè cho nửa chìm nửa nổi. Đã xày ra chuyện thuyền viên bị ném lên bờ, bị bỏ đói ở cảng biển nước ngoài. Một số khôn ngoan, thức thời, nhanh chân đầu tư tiền của dành dụm vào việc kinh doanh nhà đất. Chính họ là kẻ đầu têu cho cơn sốt đất một dạo ở TP. Hồ Chí Minh. Giờ họ là chủ của nhiều khách sạn trong Quận 1 thành phố này.

Cảng Hải Phòng.

Cảng Hải Phòng.

Đa số còn lại rời bỏ con tàu, bỗng thấy mình thành gà công nghiệp trên đất liền, hậu quả của những năm tháng đằng đẵng lênh đênh trện biển. Họ không có đủ tài năng, kiến thức để giữ vị trí ngày xưa của mình trong thang xã hội bây giờ. Không có ai thành đại gia theo tiêu chuẩn của ngày nay. Khối kẻ đã từng đổi đời thành giàu, rồi lại về “mo”, thậm chí kiếm cái xe ôm ra đứng đầu đường.

Nghề thủy thủ phải có thần kinh thép để chịu đựng những cơn bão biển.

Nghề thủy thủ phải có thần kinh thép để chịu đựng những cơn bão biển.

 Ngày nay, đời viễn dương không còn là đề tài bàn tán từ trong nhà ra ngoài phố, mà chỉ còn lại những kỷ niệm của một thời đã qua. Thời gian đã tẩy bỏ lớp vàng mạ (sản phẩm khác thường của một giai đoạn lịch sử) cuộc đời viễn dương, để nghề đi biển hiện ra đúng với bản chất của nó - một nghề nguy hiểm, vất vả. Cái nghề ngày xưa người ta phải chuốc cho say trong các quán rượu phương Tây, rồi ném lên tàu biến thành thủy thủ!

Đi biển là một nghề nguy hiểm.

Đi biển là một nghề nguy hiểm.

Thế nhưng, những người đi biển là một bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế quốc dân. Mỗi năm họ mang từ nước ngoài về hàng chục vạn tấn thuốc trừ sâu, phân hóa học, cho người nông dân chăm sóc mảnh ruộng của mình, hàng trăm vạn tấn sắt thép cho các công trình công nghiệp mọc lên trên khắp đất nước và họ lại đưa hàng triệu tấn gạo, than, dầu, nông sản, hải sản,... của Việt Nam ra nước ngoài, khẳng định chủ quyền quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.

Đồng lương ít ỏi và những mất mát tinh thần không đánh giá được bằng tiền khiến nghề thủy thủ chỉ vớt vát được các thanh niên mới ra trường. Con tàu là chỗ để họ ở tạm! Thế nên Việt Nam bây giờ không có những con “sói biển” thường thấy ở các quốc gia hàng hải. Bởi lẽ ở đấy người thủy thủ được hưởng những đãi ngộ xứng đáng với các công sức của họ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủy thủ viễn dương - một thời để nhớ (Kỳ III)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO