Để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, UBND tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt khó khăn, có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đó là ý kiến ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, đến ngày 8/11/2021, toàn tỉnh có 299 doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp hoạt động trở lại với hơn 78.000 lao động, bình quân 263 lao động/doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã hướng dẫn 106 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp xây dựng phương án xản xuất kinh doanh, với gần 55.000 lao động. Trong đó, có 74 doanh nghiệp thực hiện phương án cho người lao động đi, về hằng ngày; 29 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” và 3 doanh nghiệp kết hợp phương án cho lao động đi, về hằng ngày và “3 tại chỗ”.
Đối với doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn, thẩm định 27 doanh nghiệp, với tổng số 16.483 lao động, trong đó có 22 doanh nghiệp thực hiện phương án cho người lao động đi, về hằng ngày và 5 doanh nghiệp thực hiện kết hợp giữa phương án cho lao động đi, về hằng ngày và “3 tại chỗ”. UBND các huyện, thị, thành cũng đã hướng dẫn, góp ý, thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của 167 doanh nghiệp, với hơn 7.200 lao động.
Tiền Giang thường xuyên tổ chức gặp gỡ, động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giải quyết, tạo sự đồng thuận trong doanh nghiệp.
Từ ngày 1/11, các doanh nghiệp tại Tiền Giang thực hiện phương án tổ chức hoạt động sản xuất và bố trí cho người lao động làm việc gắn với an toàn phòng, chống dịch theo phương châm “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, song song với công tác sản xuất, phòng, chống dịch vẫn là một công việc quan trọng đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, để đảm bảo an toàn trong sản xuất, doanh nghiệp cần tuân thủ việc xét nghiệm tầm soát, sàng lọc định kỳ cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế. Tổ an toàn COVID-19 của doanh nghiệp phải tăng cường cập nhật tình hình dịch bệnh tại địa phương nơi người lao động lưu trú để có biện pháp quản lý, sử dụng lao động phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại nơi làm việc định kỳ theo quy định, thực hiện các phương án phòng, chống dịch tại cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang cho thấy, đến ngày 1/11/2021, người lao động trong và ngoài khu, cụm công nghiệp tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 mới đạt khoảng 60%. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tiêm vaccine cho người lao động trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Trong bối cảnh, nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá cao, để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, Tiền Giang đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, để thường xuyên tổ chức gặp gỡ, động viên, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết, tạo sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp. Tỉnh cũng thành lập nhiều Tổ công tác hướng dẫn, góp ý, thông qua, kiểm tra phương án sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác về y tế với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc tiêm ngừa, xét nghiệm; trực tiếp tham gia phối hợp chỉ đạo xử lý các ổ dịch tại doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp...
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu UBND tỉnh chủ động, quyết liệt, tập trung đẩy nhanh quá trình xét nghiệm sàng lọc, kịp thời khoanh vùng cách ly với phạm vi nhỏ nhất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, rà soát, kiểm tra việc tổ chức phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly để tránh việc lây nhiễm chéo; tăng cường tổ chức tiêm vaccine cho người dân, kể cả người lao động đến từ các địa phương khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tiền Giang đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo về phục hồi sản xuất, phân công lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất với doanh nghiệp phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa; phương án đi lại, ăn ở của người lao động bảo đảm an toàn, thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang nỗ lực tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Các ngành tập trung góp ý, hướng dẫn sớm thông qua phương án của doanh nghiệp để đi vào hoạt động; đồng thời, triển khai các trạm y tế ở các khu, cụm công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch. Định kỳ 2 tuần/lần, UBND tỉnh sẽ tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn và có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm