Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa XIV và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần sau.
Qua các buổi thảo luận cho thấy, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
Theo ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này có phạm vi sửa đổi rộng, bổ sung nhiều nội dung mới. Dự kiến, sửa đổi 108/120 điều và bổ sung 32 điều mới.
Ông Huy cho biết, Dự thảo Luật Quản lý thuế được xây dựng trên cơ sở kế thừa và tiếp thu các quy định Luật hiện hành, bổ sung và cập nhật các quy định mới đảm bảo đồng bộ với pháp luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật thanh tra, Luật kiểm toán nhà nước, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật cán bộ công chức, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kế toán…để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) lần này phù hợp với các luật khác liên quan.
Có thể bạn quan tâm
16:20, 18/09/2018
06:31, 04/08/2018
10:09, 16/11/2018
Giải thích về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước được quy định trong dự thảo Luật, ông Huy cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, về thanh tra, về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan. Có một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy định của dự thảo Luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan quản lý thuế.
“Theo quy định hiện hành Cơ quan Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng vốn Ngân sách nhà nước. Hiện nay, được biết Kiểm toán nhà nước đang đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán bằng Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để quy định chi tiết Điều 4, Điều 55 của Luật Kiểm toán nhà nước theo hướng Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Vấn đề này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến. Do đó, Luật quản lý thuế không quy định nội dung này”- ông Huy nói.
Luật quản lý thuế chỉ quy định việc xử lý kết luận của thanh tra, kiểm toán nhà nước khi thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế và có kết luận, kiến nghị về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Hay nói cách khác là giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế và các cơ quan có liên quan.
Ông Huy khẳng định, Ban soạn thảo hoàn toàn đồng tình với ý kiến các đại biểu: Trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế, trong đó có hoạt động đối chiếu nghĩa vụ của người nộp thuế thì cơ quan quan quản lý thuế phải thực hiện theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Vấn đề đặt ra là việc thực hiện phải được xử lý bằng quyết định hành chính và nghĩa vụ thực hiện ở đây là người nộp thuế. Vì trên thực tế khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan thuế, Cơ quan Thanh tra hoặc Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện đối chiếu nghĩa vụ của người nộp thuế thông qua các hồ sơ mà người nộp thuế nộp cho Cơ quan thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp và việc kiểm toán tại trụ sở Cơ quan quản lý Thuế chỉ lập biên bản kiểm tra, đối chiếu số liệu với người nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế thì tính hiệu lực pháp lý chưa cao.
Hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp tự khai, tự tính, tự nộp thuế. Cơ quan thuế thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hàng năm lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra từ 18 đến 20% số lượng doanh nghiệp. Trong trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, có kết luận và quyết định xử lý thì khi không thống nhất, người nộp thuế có quyền khiếu nại và khởi kiện.
Cụ thể, người nộp thuế có quyền khiếu nại 2 lần, trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người nộp thuế có quyền khởi kiện cơ quan quản lý thuế ra tòa án.
Ông Huy cho biết, về vấn đề này, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp sau theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, kiểm toán hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, không chồng chéo. Cùng đó, đảm bảo quy định đúng Hiến pháp; không mâu thuẫn với Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế...
Ông Phạm Ngọc Lai - quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho rằng, cơ quan thuế thanh, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro, nếu đơn vị nào có rủi ro sẽ tập trung vào thanh kiểm tra và quyết tâm thực hiện nhằm đảm bảo sự công bằng và chống thất thu ngân sách. Tỷ lệ sai phạm của doanh nghiệp qua thanh, kiểm tra của ngành thuế cũng rất lớn, thậm chí có đến 95 – 97% số doanh nghiệp qua thanh, kiểm tra có sai phạm. Con số này cũng khá tương đồng với con số của cơ quan kiểm toán. Tuy nhiên, tỷ lệ sai phạm và mức độ sai phạm là rất khác nhau, có sai phạm rất lớn, nhưng có những sai phạm nhỏ.
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo Ban soạn thảo, nếu tiếp tục tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp này thì sẽ phát sinh thêm số nợ ảo là tiền chậm nộp mà thực tế không có khả năng thu hồi. Đồng thời, cơ quan quản lý thuế vẫn tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với các cơ quan liên quan để thu hồi tiền thuế nợ, tính tiền chậm nộp đầy đủ để thu vào NSNN khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế.
Về thẩm quyền xóa nợ thuế, ông Lưu Đức Huy cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị giao chính quyền địa phương xóa nợ thuế để đảm bảo khách quan và phân cấp tối đa cho chính quyền địa phương. Ban soạn thảo ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội về việc phân cấp xử lý xoá nợ đối với doanh nghiệp.
Trước các kiến đề nghị xem xét quy định Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng, liên quan đến bảo mật thông tin của người nộp thuế, ông Huy cho rằng, kế thừa quy định tại Luật quản lý thuế về việc Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản, nội dung giao dịch qua tài khoản theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định này tại Khoản 2 Điều 27 quy định Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, chỉ bao gồm thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế.
Theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nộp thuế (trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng) là phù hợp với quy định của pháp Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động (hiện nay đã có 51 Ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 Ngân hàng đã triển khai). Với thực tế quản lý của cơ quan thuế, hiện cơ quan thuế đang quản lý cơ sở dữ liệu về tài khoản của hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh trường hợp có ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của Ngân hàng...
Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, như mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế; đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp.
Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Như vậy, nội dung quy định như dự thảo Luật về nhiệm vụ, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại đã phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước.