Được xem là thành tựu cải cách của môi trường kinh doanh ở Việt Nam, thế nhưng, theo chuyên gia, Nghị định 15/2018/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện…
>> Xuất khẩu sang EU: An toàn thực phẩm là yếu tố then chốt
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, ngày 02/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP.
Được ban hành và có hiệu lực thực thi từ ngày ban hành, Nghị định này được đánh giá là cải cách thể chế đột phá, thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý Nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Với 5 năm triển khai và đi vào cuộc sống, Nghị định 15/2018/NĐ-CP được cho là văn bản pháp lý có tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp ngành thực phẩm và làm thay đổi cách thức quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Thực tế, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là điển hình cải cách về phương thức quản lý Nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và hàng hoá. Các cơ quan thực thi và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những thay đổi của Nghị định này và kỳ vọng điều này sẽ tạo tiền lệ tốt cho cải cách trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác.
>> Giải “bài toán” an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân
Những thay đổi nổi bật của Nghị định 15/2018/NĐ-CP có thể kể đến như: áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hoá; bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; cải cách toàn diện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; phân cấp, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Đặc biệt, việc điều chỉnh, sửa đổi của Nghị định 15/2018/NĐ-CP so với Nghị định 38/2012/NĐ-CP trước đây là phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó, không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giảm áp lực cho cơ quan hải quan, mà còn tạo áp lực nâng cao năng lực quản lý và chất lượng quản trị của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Nhìn nhận về các thành quả tích cực của chính sách, bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM nhấn mạnh, Nghị định 15/2018/NĐ-CP giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể về thời gian, chi phí và giảm rủi ro; có thêm cơ hội đa dạng hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp ngành thực phẩm tăng lên nhanh chóng; tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng chục triệu lao động và đóng góp quan trọng vào GDP và tăng trưởng của nền kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động hậu kiểm được tăng cường và thực hiện thường xuyên hơn. Cơ quan hải quan được giảm tải áp lực thông quan; thời gian giải phóng hàng nhanh, đáp ứng yêu cầu thông quan theo các cam kết quốc tế.
Mặc dù được xem là thành tựu cải cách của môi trường kinh doanh ở Việt Nam, thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, theo chuyên gia, Nghị định 15/2018/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tuy có nhiều nội dung cải cách tích cực, song Nghị định 15/2018/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như: quy định chưa rõ ràng, cụ thể trong cách thức xác định tỷ lệ lô hàng nhập khẩu trong trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra giảm; thực thi thiếu nhất quán đối với trường hợp sản phẩm là mẫu thử nghiệm.
Đặc biệt, ở một số cơ quan địa phương vẫn có hiện tượng cán bộ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung giấy tờ nhiều lần; thậm chí có những yêu cầu nằm ngoài quy định. Nghị định còn thiếu các quy định về đăng ký các thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới…
“Những bất cập này cần được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, ông Tuấn bày tỏ.
Được biết, theo đánh giá của Bộ Y tế, trong thời gian áp dụng, triển khai trong thực tế, Nghị định 15/2018/NĐ-CP tiết kiệm tới 8,5 triệu ngày công và hơn 3.332 tỷ đồng/năm. Trong đó, với quy định cho phép tự công bố sản phẩm, trung bình mỗi doanh nghiệp tiết kiệm được 602,5 triệu đồng/năm, với 12.000 doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm (đang hoạt động đến ngày 31/12/2021) thì quy định này giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí rất lớn, chưa tính tới các doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, tới đây khi thực hiện sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, những tiến bộ của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu sang EU: An toàn thực phẩm là yếu tố then chốt
04:00, 03/03/2024
Khai trương Phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng an toàn thực phẩm tại Hà Nội
09:33, 21/07/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kéo dài thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM
20:00, 01/04/2023
Giải “bài toán” an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân
01:00, 26/03/2023
TP.HCM: Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh
01:30, 13/01/2023