Theo Deal Street Asia, hãng Viễn thông Taiwan Mobile đã đầu tư 20 triệu USD cho sàn thương mại điện tử Tiki để nhận 2,7% cổ phần của Tiki Global.
Khoản đầu tư này có thể giúp Taiwan Mobile và công ty thương mại điện tử thuộc quyền sở hữu Momo.com có thể tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới bên ngoài sân nhà. Hiện tại, Taiwan Mobile là nhà mạng lớn thứ hai Đài Loan.
Năm 2020, sàn thương mại điện tử Việt Nam Tiki cũng đã huy động được khoảng 130 triệu USD từ Northstar Group (Northstar Group là một công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Singapore hiện cũng có khoản đầu tư tại Gojek và Indomaret).
Cuối tháng 7/2021, Tiki Global Pte. Ltd (Tiki Global) và CTCP Ti Ki đã trình hồ sơ thông báo tập trung kinh tế lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng. Nội dung hồ sơ cho thấy Tiki Global dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,54% cổ phần của Tiki sau khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ tăng vốn từ 230 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng.
Việc thành lập pháp nhân Tiki Global tại Singapore được xem là bước đi mở đường cho hoạt động phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tiki tại nước ngoài để tiếp cận thêm nguồn vốn.
Thương vụ rót tiền của Taiwan Mobile nằm trong vòng gọi vốn Series E của sàn thương mại điện tử Việt Nam. Ngoài nhà đầu tư này, Deal Street Asia cho biết Tiki còn nhận được 74 triệu USD từ các nhà đầu tư khác trong vòng Series E.
Cụ thể, hãng bảo hiểm AIA rót vốn 60 triệu USD vào Tiki song song với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, phân phối các sản phẩm bảo hiểm trên sàn thương mại điện tử này. Song song đó, các quỹ đầu tư AppWorks, CE Fintech Capital, Nextrans lần lượt đổ 7,5 triệu USD, 5 triệu USD và 1,5 triệu USD vào Tiki.
Trước vòng gọi vốn Series E, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 49,4% cổ phần Tiki. Cổ đông ngoại lớn nhất là đại gia ngành thương mại điện tử của Trung Quốc JD.com với 18,2% cổ phần.
Một số nhà đầu tư ngoại khác sở hữu lượng lớn cổ phần của sàn thương mại điện tử Việt Nam là Ubiquitous Traders với 9,9%, Success Elite Holdings với 4,5%, Finup Asia Investment với 3,7%, Sumitomo với 3,1%.
Để bổ sung nguồn vốn, Tiki vừa huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ, kỳ hạn 2 năm với lãi suất 13%/năm. Mức lãi suất chào bán trái phiếu của sàn thương mại điện tử Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay.
Hiện tại, Tiki vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lỗ. Năm 2019, công ty lỗ ròng hơn 1.760 tỷ đồng. Trước đó, mức lỗ năm 2018 hơn 750 tỷ đồng và 2017 là hơn 280 tỷ đồng. Riêng năm 2020, theo báo cáo thường niên của cổ đông chiến lược VNG, Tiki còn lỗ 4 tỷ đồng.
Qua đây có thể hiểu rằng, với việc rót vốn vào Tiki của Taiwan Mobile được cho là là khoản đầu tư gián tiếp đầu tiên, gia tăng sự hiện diện trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm