Hiện tại, các địa phương được chọn thí điểm mô hình kinh tế đêm vẫn chưa thể phát triển các sản phẩm du lịch đêm do gặp nhiều vướng mắc.
Quyết định 1299/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam đã lựa chọn ra 10 địa phương để thí điểm. Tuy nhiên, các địa phương vẫn đang lúng túng triển khai, trong đó gặp khó trong việc phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Xác định rõ hướng đi
Hội thảo “Xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng chiều ngày 16/4 đã đánh giá rõ tiềm năng của từng địa phương trong tương lai và đưa ra những hướng đi mới để các địa phương thí điểm cùng tìm hướng đi bứt phá trong công cuộc phát triển kinh tế đêm.
Theo mục tiêu của Hội thảo, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm đô thị lớn. Việc này nhằm tăng chi tiêu bình quân của khách du lịch 5-6%, tăng tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch dành cho sản phẩm du lịch đêm trong cơ cấu chi tiêu của khách 30%, Đồng thời, tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch thêm 1/2 ngày.
Lộ trình đến năm 2030, các tỉnh thành thí điểm Đề án sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt, phát triển đồng bộ hệ thống sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch lớn của đất nước và hình tành thương hiệu du lịch đêm của Việt Nam.
Theo ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam thì hoạt động kinh tế về ban đêm cần phải làm cho khách du lịch ở lại lâu hơn, tham gia nhiều hoạt động hơn nữa và chi tiêu nhiều hơn. Do đó, các địa phương cần bắt tay vào giải bài toán phát triển kinh tế đêm làm sao để thực hiện đúng mục tiêu kinh tế và các vấn đề an ninh xã hội, trật tự liên quan khác cũng phải thật hài hòa.
“Chúng ta nói đến việc triển khai các hoạt động phục vụ khách du lịch về đêm nghe rất đơn giản tuy nhiên lại liên quan đến rất nhiều vấn đề. Câu hỏi đặt ra là những dịch vụ nào, ở đâu cần phải được ưu tiên, hạn chế, cần có những quy định, hỗ trợ gì để mang lại thành công?” ông Hà Văn Siêu đặt câu hỏi.
Theo ông Siêu, tại Đề án phát triển kinh tế đêm Thủ tướng đã xác định ra 10 địa phương để thực hiện. Ông Siêu cho rằng việc triển khai các dịch vụ như thế nào cho hợp lý chính là vấn đề cần bàn tới. Bởi, có nhiều dịch vụ triển khai vào ban ngày rất tốt, nhưng ban đêm cũng không thiếu các dịch vụ hấp dẫn.
“Vậy làm sao những dịch vụ ban đêm tận dụng được những yếu tố về đêm, đặc biệt là tận dụng được khoảng thời gian nghỉ của con người để tham gia, trải nghiệm thì mới có thể xem là đạt kết quả tích cực. Sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, của cộng đồng dân cư tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới chính là cánh cửa để mở ra những cơ chế mới cho sản phẩm đêm, từ đó kích cầu du lịch tại các địa phương”, ông Siêu chia sẻ.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quý Dương – Vụ trưởng Vụ lữ hành nhìn nhận trong bối cảnh hiện tại việc phát triển kinh tế đêm sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho ngành du lịch, dịch vụ cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, sự phát triển của tầng lớp trung lưu, tầng lớp có thu nhập cao tạo ra sự đòi hỏi những sản phẩm có chất lượng cao hơn, nhiều thời gian trải nghiệm hơn.
“Chúng ta hiện nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các địa phương có thế mạnh về du lịch luôn được chọn là điểm đến hàng đầu của khu vực. Do đó, xu thế phát triển của du lịch Việt Nam trong tương lai cần định hướng sản phẩm có chọn lọc, phù hợp với từng địa phương để góp phần đưa kinh tế đêm đi lên”, ông Nguyễn Quý Dương nói.
Các địa phương nói gì?
Ông Nguyễn Quý Dương – Vụ trưởng Vụ lữ hành cho rằng hiện tại các địa phương được chọn thí điểm phát triển kinh tế đêm có rất nhiều tài nguyên du lịch về tự nhiên, văn hóa. Và với tình hình du khách tăng nhanh như những năm trước (nếu không có dịch COVID-19 ước tính năm 2020 Việt Nam có thể đạt 20 triệu lượt tham quan của khách quốc tế) đòi hỏi các địa phương cần có nhiều hơn nữa sự lựa chọn sản phẩm du lịch.
Trong đó, trong bối cảnh dịch bệnh Việt Nam vẫn là điểm sáng về an toàn du lịch. Đồng thời, hạ tầng du lịch cũng đang được đầu tư rất tốt, tại Đà Nẵng, Nha Trang sở hữu hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt 4-5 sao. Do đó, sứ mệnh là ngành kinh tế mũi nhọn của du lịch chính là động lực để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ phát triển.
“Tuy nhiên, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đêm chỉ tập trung ở các đô thị lớn, về cơ bản mô hình mới thể hiện hầu hết ở chợ đêm, phố đi bộ, phố Tây,... về cơ bản vẫn chưa được hiện hình cụ thể, các địa phương vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Dịch vụ đêm cũng chưa thực sự đa dạng mà chỉ tồn tại theo dạng chợ, siêu thị. Do đó, việc phát triển kinh tế đêm chính là cơ hội để các địa phương phát triển kinh tế, tăng giá trị thặng dư, đảm bảo an ninh trật tự,...”, Vụ trưởng Vụ lữ hành nói thêm.
Ông Tán Văn Vương – Phó Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng cho biết thời gian qua ngành du lịch thành phố đã có nhiều bước phát triển nhanh, đồng thời thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đêm như một loại hình du lịch mới, đặc sắc để thu hút khách du lịch.
Theo ông Vương, địa phương cũng đã ban hành Đề án phát triển kinh tế đêm song song với Đề án của quốc gia. Trong đó, Đà Nẵng định hướng 4 nhóm sản phẩm chính gồm hoạt động dịch vụ - văn hóa, dịch vụ - ăn uống - vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm và dịch vụ tham quan về đêm. Kèm với đó phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ mới mang tính mới lạ, đặc sắc và mang chất lượng cao.
“Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã mang lại thách thức lớn đối với việc phát triển kinh tế đêm của thành phố. Những vấn đề về an sinh xã hội, trật tự, môi trường,... cũng là bài toán cần có lời giải sớm. Để phát triển lâu dài, cần có quy hoạch phát triển không gian riêng biệt, cơ sở hạ tầng công cộng. Ngoài ra, cần có thêm cơ chế chính sách thu hút đầu tư các dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm”, ông Tán Văn Vương nêu vấn đề.
Cùng chia sẻ, ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Nam cho biết địa phương đã có những sản phẩm đêm mang dấu ấn. Theo ông Tường, việc triển khai Đề án 1129 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương vẫn còn một số lúng túng.
Trong đó, về quy hoạch đối với sản phẩm du lịch về đêm vẫn chưa có hành lang pháp lý để thực hiện. Ngành du lịch tại các địa phương không cho phép quy hoạch ngành đối với tỉnh, thành phố mà phải tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, địa phương không thể đưa vào quy hoạch sản phẩm du lịch đêm.
“Cần có danh mục các điểm sản phẩm về đêm cấp quốc gia. Ngoài ra, nên có mô hình chuẩn cho việc phát triển sản phẩm du lịch về đếm, Việt Nam ta vẫn chưa có. Đề án đã ban hành nhưng thể chế, luật vẫn chưa đầy đủ để các địa phương tiến hành, cần thể chế hóa các vấn đề liên quan đến đề Đề án của Chính phủ trong các văn bản của Nhà nước cần được quan tâm hơn. Đồng thời, Đề án cũng nên đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến sản phẩm về đêm như thời gian, chính sách thuế,...”, ông Lê Ngọc Tường nói.
Tại Hội thảo, ông Trần Văn Ngọc – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho rằng việc quy hoạch vướng rất nhiều trong việc phát triển. Trong đó, phố du lịch đêm phải ở trung tâm, thuận tiện cho hiệu ứng đám đông và vui chơi giải trí thuận lợi nhất. Tuy nhiên, việc nằm ở trung tâm thành phố sẽ ảnh hưởng đến dân sinh địa phương.
“Đầu tiên phải xác định du lịch ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, chúng ta không thể đầu tư du lịch đêm để nhanh thu về lợi nhuận mà phải xem xét tính ảnh hưởng của nó. Nếu đầu tư tập trung một khu phố, có thể giải phóng mặt bằng để thử nghiệm trong đó để kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, cũng cần có những sản phẩm mới, thu hút, nhưng việc này lại cần phải có những đánh giá về mức độ thu hút của sản phẩm trong tương lai để bàn đến tính khả thi, phù hợp với túi tiền. Và chính sách cần được cở mở nhiều hơn nữa để phù hợp với từng địa phương”, ông Trần Văn Ngọc đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Ninh Bình: Khôi phục du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới
13:40, 15/04/2021
Du lịch Cát Bà: Làm gì để tiếp tục hành trình vươn tầm thế giới?
18:37, 13/04/2021
Du lịch Đồ Sơn Hải Phòng: Liệu đã “thức giấc” ?
05:20, 11/04/2021
Thanh Hóa: Sầm Sơn mở đầu mùa du lịch 2021 bằng Lễ hội hoa rực rỡ, ấn tượng
22:38, 10/04/2021